Nguồn cảm hứng phát triển
Theo các nhà chức trách Cảng Newcastle (Úc), tàu chở hàng rời chạy bằng một phần năng lượng gió đầu tiên trên thế giới Shofu Maru đã cập cảng Newcastle vào thứ hai trong hành trình đầu tiên của mình từ Nhật Bản đến Úc.
Đây là tàu chở hàng rời đầu tiên sử dụng một phần năng lượng gió từ công nghệ động cơ cánh buồm cứng - bộ phận này được đặt tên là "Wind Challenger". Con tàu này được khẳng định là "chiếc đầu tiên của loại hình này" và báo hiệu sự trở lại của năng lượng gió như một nguồn năng lượng khả thi, mở ra một kỷ nguyên mới trong giao thông hiện đại.
Tại xưởng đóng tàu Oshima, Công ty vận tải biển Nhật Bản Mitsui O.S.K. Lines (MOL) - Chủ sở hữu con tàu Shofu Maru tiếp tục dự định đóng tàu chở hàng tải trọng lớn thứ hai sử dụng hệ thống buồm cứng 'Wind Challenger'.
Theo dự định, MOL sẽ hoàn thành con tàu có tải trọng 62.900 DWT khi nó được giao vào năm 2024. Khi hoàn thành, con tàu này sẽ được công ty chuyên tạo ra năng lượng sinh học gỗ bền vững Enviva sử dụng để vận chuyển viên nén gỗ.
Hiện nay, MOL tiếp tục nghiên cứu về công nghệ cánh buồm rotor, một thiết bị đẩy gió phụ được tạo ra bởi Anemoi Marine Technologies có trụ sở tại Vương quốc Anh. Bởi lẽ, người ta dự đoán rằng việc sử dụng cánh buồm rotor và "Wind Challenger" cùng nhau sẽ giảm trung bình 20% lượng khí thải nhà kính.
Cường độ phát thải khí nhà kính đạt mức 0% vào năm 2050
Tàu Shofu Maru có một cánh buồm ống lồng làm bằng sợi thủy tinh có thể kéo dài đến độ cao 55m và có thể vận chuyển 80.000 tấn than. Theo các thử nghiệm sơ bộ, con tàu này tiêu thụ nhiên liệu ít hơn 5% khi di chuyển giữa Úc và Nhật Bản.
Theo MOL, con tàu này thường sử dụng 500.000 lít nhiên liệu cho hành trình dài như vậy nhưng với công nghệ này mức giảm nhiên liệu lên tới 25.000 lít. MOL đã xây dựng kế hoạch khử cacbon trên các phương tiện vận tải của mình bao gồm nghiên cứu động cơ đẩy được hỗ trợ bởi gió. Đồng thời, MOL đã thiết lập các mục tiêu trung và dài hạn để giảm cường độ phát thải khí nhà kính trong vận tải biển xuống khoảng 45% vào năm 2035 so với năm 2019 và đạt mức 0% vào năm 2050.
Thời gian qua, ngành hàng hải đã có những đóng góp đáng kể vào quá trình toàn cầu hóa. 90% thương mại toàn cầu được vận chuyển bằng đường biển. Tuy nhiên, vận chuyển theo hình thức này có chi phí môi trường cao.
Khoảng một tỷ tấn carbon dioxide (CO2) được thải vào khí quyển mỗi năm bởi các tàu container di chuyển trên các tuyến đường vận tải biển trên thế giới, chiếm 3% tổng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Hiện nay, ngày càng có nhiều áp lực lên ngành vận tải biển toàn cầu trong việc giảm thiểu ô nhiễm do đội tàu vận tải gây ra. Và giờ đây, hệ thống "Wind Challenger" đang mang lại hy vọng nỗ lực giảm khí thải trên tàu vận tải biển.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.