Thực trạng vận tải khách: “Thật thà ăn cháo, láo nháo ăn cơm”

Tác giả: Nhóm PV

saosaosaosaosao
Đường dây nóng 21/04/2018 07:57

Thủ tướng và Phó thủ tướng nhiều lần chỉ đạo, nhưng vấn nạn “xe dù, bến cóc” vẫn không được xử lý nghiêm? Những ai phải chịu trách nhiệm trong việc này?

LTS: Thời gian qua, Thủ tướng và Phó thủ tướng, Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia đã ban hành nhiều Chỉ thị, Công điện chỉ đạo Bộ GTVT, Bộ Công an và UBND các tỉnh, thành phố tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý dứt điểm tình trạng xe khách trá hình, “xe dù, bến cóc”. Đặc biệt là tại các thành phố lớn. Song vấn nạn này vẫn không được khắc phục mà còn nhức nhối tới mức nhiều nhà xe chân chính và các Hiệp hội vận tải phải gửi đơn “kêu cứu” tới Thủ tướng. Đây là điều hết sức bất thường, trái với chủ trương tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển theo đúng pháp luật; thậm chí có biểu hiện của việc “trên bảo, dưới không nghe”. 

Câu hỏi đặt ra là vì sao Thủ tướng và Phó thủ tướng đã nhiều lần chỉ đạo, nhưng vấn nạn “xe dù, bến cóc” vẫn không được xử lý dứt điểm? Những ai phải chịu trách nhiệm trong việc này? 

Bài 1: Muốn xử lý triệt để “xe dù” thì phải “cắt bỏ ô dù”.

Nhiều tháng nay, trong vai hành khách, bằng cách lên mạng tìm hãng xe và liên lạc qua email, qua điện thoại với các nhà xe, rồi trực tiếp đi hàng chục chuyến “xe dù”, tới thị sát hàng chục “bến cóc” khắp địa bàn Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Thanh Hoá... và một số tỉnh phía Nam, phóng viên Tạp chí GTVT không khỏi giật mình trước thực trạng nhức nhối của “xe dù, bến cóc”.

Chỉ cần vào google.com và gõ tên các tuyến xe khách từ Hà Nội đi các tỉnh, chúng tôi dễ dàng tìm thấy hàng chục hãng “xe khách giá rẻ, chất lượng cao” quảng cáo, mời chào đặt vé qua mạng internet và qua điện thoại. Thậm chí, nhiều hãng xe còn mang vé hoặc đưa xe đến đón tận nhà nếu khách ở các quận nội thành!

Hà Nội: “Xe dù, bến cóc” lộng hành, cơ quan chức năng “mặc kệ”

Nhập vai hành khách muốn đi Thanh Hoá, chúng tôi liên hệ với nhà xe Vĩnh Quang và được hướng dẫn tới mua vé: Đón xe tại các điểm, số nhà 34, ngõ 553 Giải Phóng (Hoàng Mai) và số 18 Phạm Hùng (Cầu Giấy). Tại những nơi này, nhà xe Vĩnh Quang “vô tư” bán vé và đón khách đi các tuyến: Hà Nội - Sầm Sơn; Hà Nội - TP Thanh Hoá,  hình thành các “bến cóc” gây mất trật tự ATGT, tăng nguy cơ ùn tắc giao thông ở các tuyến phố nội đô và tạo sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các đơn vị kinh doanh vận tải...

unnamed (4)
Văn phòng hãng xe Vĩnh Quang Limousine tại số nhà 34, ngõ 553 Giải Phóng (Hoàng Mai, Hà Nội) công khai bán vé, thu tiền tuyến Hà Nội - Thanh Hóa

Dưới mác xe hợp đồng và xe dịch vụ du lịch tuyến, nhà xe Vĩnh Quang “lách luật” bằng cách thu tiền trực tiếp của từng hành khách tại văn phòng hoặc ngay khi lên xe, rồi hỏi họ tên và địa chỉ của khách để điền vào danh sách trong hợp đồng.

Việc bán vé, thu tiền của khách được diễn ra ngang nhiên, công khai ngay tại văn phòng Vĩnh Quang ngõ 553 Giải Phóng. Đối với hành khách đi TP Thanh Hoá, nhà xe này áp dụng mức giá từ 180.000 đến 200.000 đồng/người/lượt; nếu đi TP Sầm Sơn mức giá từ 200.000 đến 220.000 đồng/người/lượt, tuỳ theo hạng nghế.

Để làm lộ trình hoạt động nhà xe này, với 220 nghìn đồng, chúng tôi quyết định theo chân chiếc xe mang BKS 36 (Thanh Hoá) từ Hà Nội đi Sầm Sơn (Thanh Hoá). Sau khi xếp đủ hành khách, chiếc xe bắt đầu khởi hành theo hướng Giải Phóng - cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ. 

unnamed (5)
Các xe Limousine Vĩnh Quang dàn hàng xếp khách trước cửa văn phòng bán vé, chiếm dụng lòng đường vỉa hè cản trở giao thông tại ngõ 553 Giải Phóng

 Tiếp tục tìm xe khách đi Thanh Hoá, chúng tôi thấy một hàng dài các hãng xe mời chào, trong đó có rất nhiều hãng không đăng ký chạy tuyến cố định trong các bến xe, hoặc chỉ đăng ký lấy lệ vài “nốt”, còn chủ yếu dùng xe mang phù hiệu xe hợp đồng, đón khách tại văn phòng của nhà xe, tại các “bến cóc” trong nội thành và dọc đường. Có những nhà xe còn ngang nhiên đón, trả khách dưới lòng đường các tuyến phố nội đô như các hãng xe: Minh Chánh Sedona (dòng xe 7 chỗ, có văn phòng bán vé đặt tại khu đô thị Đồng Tầu, quận Hoàng Mai), Hải Hiền; Trường Hằng, Tiến Tiến, lập “bến ngầm” tại cầu vượt Vọng (Thanh Xuân).

Nhằm làm rõ những chiếc xe “vua” chạy tuyến cố định núp bóng xe hợp đồng trên tuyến Hà Nội - Thanh Hoá, hồi tháng 3 vừa qua, loạt bài phóng sự của Tạp chí GTVT đã trả lời câu hỏi vì sao các đầu “xe dù" không vào bến xe đàng hoàng; vạch trần bản chất thuế, phí làm thất thu ngân sách nhà nước của các nhà xe. Đồng thời, các bài báo đã phản ánh rõ tình hình trật tự vận tải có những diễn biến phức tạp, làm mất trật tự ATGT, tăng nguy cơ ùn tắc giao thông trên địa bàn phường Phương Liệt, Thanh Xuân và gây bất bình đẳng giữa các đơn vị kinh doanh vận tải...

unnamed (3)
Một "bến cóc" quy mô lớn hình thành ngay dưới chân cầu vượt Vọng, thuộc địa bàn quận Thanh Xuân, trước bốt làm nhệm vụ của Đội CSGT số 4 trong nhiều năm, gây bức xúc và phản cảm trong dư luận xã hội

 

unnamed (2)
Việc đón trả khách diễn ra giữa "thanh thiên bạch nhật"

Trước phản ánh của Tạp chí GTVT, ngay sau đó, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội đã có văn bản gửi các lực lượng chức năng làm rõ và xử lý dứt điểm tình trạng trên.

Giám đốc Sở GTVT Hà Nội yêu cầu Thanh tra Sở GTVT chỉ đạo Đội TTGT Thanh Xuân kiểm tra, xử lý vi phạm theo phản ánh của Tạp chí GTVT; xử lý dứt điểm và phối hợp với chính quyền địa phương duy trì không để tái diễn các địa điểm phát sinh hiện tượng “xe dù, bến cóc". Đội Thanh tra GTVT Thanh Xuân chịu trách nhiệm trước Giám đốc Sở nếu còn để vi phạm kéo dài trên địa bàn mà không xử lý dứt điểm.

Mặc dù, Sở GTVT Hà Nội chỉ đạo quyết liệt là vậy, song đến nay các văn phòng bán vé 18 Nguyễn Lân và ngõ 153 Trường Chinh (quận Thanh Xuân) vẫn “đỏ đèn” suốt ngày đêm. Tại đây, hành khách thanh toán tiền  trực tiếp và mua vé công khai như ở “bến xe xịn”. Bên ngoài, những chiếc xe Limousine dàn hàng ngay dưới lòng đường xếp khách.

Theo ghi nhận của PV Tạp chí GTVT, trong chiều ngày 17/4, lần lượt các xe 29B-194.45 loại 29 chỗ, 29B-114.14 loại 10 chỗ, đeo lô-gô “Đại Nam Limousine” đón khách ngay tại “bến cóc” ngõ 153 Trường Chinh.

unnamed
Nhà xe Đại Nam Limousine có "đại bản doanh" tại ngõ 153 Trường Chinh huy động  loại xe 29 chỗ vào tận văn phòng đón khách, mặc dù trước đó lực lượng TTGT Sở GTVT có "hứa" sẽ xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm hoạt động trong khu dân cư này.

 

unnamed (12)
Chiếc xe loại 29 chỗ vừa rời đi, ngay lập tức một chiếc xe 10 chỗ khác cập bến, vô tư trả khách trước văn phòng bán vé Đại Nam Limousine

Cách đó không xa, tại số 18 Nguyễn Lân, lần lượt các xe 36B-029.71, 36B-029.56 vô tư xếp khách ngay dưới lòng đường, gây cản trở và ách tắc giao thông. Tất cả đều diễn ra công khai, và cứ trung bình 30 phút lại có hai lượt xe “xuất bến” tại các địa chỉ này. 

Cần làm rõ trách nhiệm của lực lượng Thanh tra giao thông Hà Nội

Đó là kiến nghị của ông Thân Văn Thanh - nguyên Phó chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam. Ông Thanh nêu quan điểm, tình trạng “xe dù, bến cóc” trên địa bàn Hà Nội hiện đang rất phức tạp, doanh nghiệp nào vi phạm, các cơ quan quản lý nhà nước đều nắm được hết, tuy nhiên việc xử lý gần như “bắt cóc bỏ đĩa”.

“Chúng ta đã có một hệ thống văn bản pháp luật khá quy củ quy định về lĩnh vực này; cơ quan quản lý nhà nước thì có đội ngũ Thanh tra giao thông hùng hậu, lực lượng Cảnh sát giao thông có mặt ở hầu khắp các tuyến đường. Tại sao tình trạng “xe dù, bến cóc” gây bức xúc dư luận, được cơ quan báo chí phản ánh nhiều lần nhưng lại không được xử lý triệt để? Phải chăng có yếu tố “bảo kê” từ các lực lượng này?”, ông Thanh đặt ghi vấn.

unnamed (1)
Tại địa chỉ 18 Nguyễn Lân (Thanh Xuân) dàn xe Limousine BKS Thanh Hóa nối đuôi nhau đón trả khách, trước sự "thờ ơ" của lực lượng chức năng và chính quyền địa phương

Có thể khẳng định, hiện nay, với những văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực vận tải khách (cụ thể là Luật Giao thông đường bộ, Nghị định số 86/2014/NĐ-CP, Thông tư số 63/2014/TT-BGTVT, Nghị định số 46/2016/NĐ-CP) thì hoàn toàn đã đủ cơ sở pháp lý để xử lý triệt để "xe dù, bến cóc". Đặc biệt, nếu lực lượng chức năng muốn xử lý xe khách trá hình, thì chỉ cần theo dõi giám sát hành trình sẽ biết rõ những chiếc xe nào, những hãng xe nào vi phạm. Đáng buồn là biện pháp kiểm tra rất đơn giản và hiệu quả này lại thường bị “bỏ qua” và thậm chí còn có dấu hiệu tìm cách "lách luật" để bao che cho "xe dù, bến cóc", bao biện khi báo chí và cấp trên truy vấn trách nhiệm.

Thật vô lý khi những xe “trá hình” hoạt động nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, trong khi đó các cơ quan có trách nhiệm quản lý thờ ơ, vô cảm, thậm chí kêu khó xử lý. Phải chăng, vẫn có tình trạng chưa kiên quyết xử lý xe khách trá hình, nên dư luận đã đặt vấn đề “xe dù” chính là những xe “có ô dù” và muốn xử lý triệt để “xe dù” thì phải “cắt bỏ ô dù”. 

Với những gì đang xảy ra trên địa bàn Hà Nội nói chung và địa bàn quận Thanh Xuân, Hoàng Mai nói riêng, dư luận có quyền đặt ghi vấn có yếu tố “trái lệnh” của cấp trên, “làm ngơ” cho vi phạm tồn tại, điều này đi ngược lại với sự chỉ đạo quyết liệt từ người đứng đầu Chính phủ và các bộ ngành liên quan.

Ông Vương Quốc Tuấn - Phó giám đốc Sở GTVT Thanh Hoá: Xe hợp đồng “bóp chết” xe tuyến.

Theo kết quả thống kê hiện nay tại Thanh Hoá có gần 100 đầu xe Limousine hợp đồng, đội lốt chạy tuyến cố định. Điều này gây ra nhiều khó khăn trong công tác quản lý loại hình vận tải này, là thủ phạm gây lũng đoạn thị trường vận tải, tạo sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các đơn vị kinh doanh vận tải.

Để  giải quyết được tận gốc được các nhà xe vi phạm, đòi hỏi phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó tập trung hoàn thiện hành lang pháp lý, cụ thể là Luật Giao thông đường bộ, Nghị định số 86/2014/NĐ-CP, Thông tư số 63/2014/TT-BGTVT, Nghị định số 46/2016/NĐ-CP. 

 Tạp chí GTVT tiếp tục thông tin./.

Ý kiến của bạn

Bình luận