Tiếp tục khơi dòng vốn tư nhân đầu tư vào giao thông

Tác giả: Hạ Liên

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 16/11/2020 07:13

Muốn khơi thông dòng vốn mới của khu vực tư nhân trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông thì điều quan trọng là cần tháo gỡ những ách tắc, vướng mắc hiện tại.

Nhận diện những khó khăn

Trong điều kiện ngân sách nhà nước còn khó khăn, vốn ODA ngày càng thu hẹp, để phát triển kết cấu hạ tầng xã hội nói chung và kết cấu hạ tầng giao thông nói riêng cần có sự tham gia tích cực của các thành phần kinh tế, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân. Tính đến nay, Bộ GTVT đã huy động được khoảng 201.341 tỷ đồng để đầu tư 67 dự án theo phương thức đối tác công - tư (PPP), đã hoàn thành đưa vào khai thác 63 dự án với tổng mức đầu tư 185.293 tỷ đồng, đang triển khai đầu tư 4 dự án với tổng mức đầu tư 16.048 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong điều kiện hệ thống pháp luật chưa hoàn chỉnh, thực tiễn triển khai cho thấy còn tồn tại những bất cập, vướng mắc nhất định ở một số dự án đầu tư theo phương thức PPP, hợp đồng BOT.

Screen Shot 2020-10-07 at 4.55.10 PM

Cần dỡ bỏ các "rào cản" để các dự án PPP được thực hiện thành công, hiệu quả

Ông Đinh Văn Tiếp - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Phương Nam cho biết, trong quá trình triển khai, do phương án tài chính của các dự án đã bị vỡ, nhà đầu tư luôn trong tình trạng bị ngân hàng đưa vào diện nợ xấu. Dẫn chứng cụ thể tại dự án BOT QL1 Bình Thuận, mặc dù mỗi ngày doanh thu đạt khoảng 700 triệu đồng, nhưng cũng chỉ đủ để trả lãi ngân hàng và một ít tiền gốc vay. Theo hợp đồng đã ký kết, đáng ra đến nay nhà đầu tư đã được tăng giá vé 2 lần nhưng không được tăng, thậm chí còn giảm cho nhiều phương tiện trong bán kính 10 km. Điều này khiến nhà đầu tư không có thặng dư để trả nợ gốc, phương án tài chính ban đầu bị vỡ. Hay như các dự án BOT quốc lộ Bạc Liêu mỗi ngày thu được 200 triệu đồng, BOT Sóc Trăng mỗi ngày thu được 250 triệu đồng, số tiền này chưa đủ trả lãi ngân hàng. Ngân hàng sẽ xếp hạng nhà đầu tư, nếu không trả được khoản tiền đã vay sẽ đưa vào diện nợ xấu, lúc đó các hoạt động kinh doanh khác của nhà đầu tư và các đối tác liên quan cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Chính vì vậy, mặc dù hạn mức vay của các dự án BOT vẫn còn nhưng sau khi dự án quyết toán, phần giá trị quyết toán còn lại phải thành toán cho các nhà thầu ngân hàng đã từ chối giải ngân với lý do phương án tài chính không đảm bảo như hợp đồng BOT đã ký kết. Việc ngân hàng không tiếp tục cho giải ngân càng gây khó khăn và áp lực về tài chính cho nhà đầu tư. Đặc biệt tại các dự án BOT đã đến thời hạn trung tu và sắp tới đại tu, ngân hàng không tiếp tục cho vay thực hiện công tác trung tu và đại tu, điều đó dễ dẫn đến đẩy dự án BOT đến bờ vực phá sản.

Cùng chung cảnh ngộ, là một trong những nhà đầu tư đầu tiên vào hạ tầng giao thông theo mô hình PPP tại Việt Nam, Tập đoàn Đèo Cả đang phải đối diện với nhiều khó khăn tại những dự án BOT lớn của mình, trong đó có thể kể đến Dự án Hầm đường bộ Đèo Cả. Theo đó, dự án này có tổng mức đầu tư 21.612 tỷ đồng, trong đó phần vốn nhà nước tham gia hỗ trợ là 5.048 tỷ đồng (23,53%). Hiện dự án đang đối mặt với một số khó khăn xuất phát từ những vấn đề ngoài tầm kiểm soát và khả năng xử lý của nhà đầu tư. Cụ thể, phần vốn nhà nước tham gia dự án là 5.048 tỷ đồng nhưng đến nay mới giải ngân 3.868 tỷ đồng, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu quả sử dụng vốn, phát sinh lãi vay tín dụng trong quá trình thực hiện dự án. Mặc dù nhà đầu tư, ngân hàng cho vay tín dụng đã có nhiều văn bản kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành, nhưng đến nay sau gần 3 năm vẫn chưa được giải quyết.

Nỗ lực khơi thông dòng vốn xã hội hóa

Trước những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách liên quan đến đầu tư theo hình thức PPP, ngày 18/6, Quốc hội Khóa XIV đã thông qua Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) và có hiệu lực từ ngày 01/01/2021. Luật PPP được bố cục thành 11 chương với 102 điều, luật hóa các quy định nghị định, thông tư để khơi thông dòng vốn đầu tư theo hình thức này.

Cụ thể, Luật PPP quy định, khi doanh thu có sự thay đổi (tăng hoặc giảm) được cơ quan nhà nước xác định và nguyên nhân không xuất phát từ phía nhà đầu tư như: thay đổi quy hoạch, chính sách, pháp luật có liên quan... thì Nhà nước và nhà đầu tư cùng chia sẻ rủi ro này. Đây là chính sách đổi mới, thể hiện sự công bằng trong quan hệ giữa Nhà nước và nhà đầu tư tại các dự án được đầu tư theo phương thức PPP, phù hợp xu thế hội nhập quốc tế, góp phần đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư.

Không dừng lại ở đó, để tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư, đồng loạt các bộ, ngành đã nghiên cứu, xây dựng khung pháp lý liên quan đến hình thức đầu tư này. Cụ thể hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang dự thảo Nghị định quy định chi tiết về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP). Dự thảo Nghị định được xây dựng với mục tiêu đảm bảo quy trình, thủ tục lựa chọn nhà đầu tư phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện của Việt Nam, dựa trên nguyên tắc cạnh tranh, công khai, minh bạch, hiệu quả, đơn giản nhằm lựa chọn được nhà đầu tư thực sự có năng lực tài chính, kinh nghiệm quản lý thực hiện dự án; đơn giản hóa quy trình, thủ tục lựa chọn nhà đầu tư trên cơ sở thống nhất với quy trình chuẩn bị đầu tư và thực hiện dự án PPP.

Bộ GTVT cũng đang dự thảo Thông tư quy định về khung lợi nhuận cho các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng đường bộ do Bộ GTVT quản lý. Theo dự thảo, đối với trường hợp đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, tỷ suất lợi nhuận nhà đầu tư tính toán trong giai đoạn lập, phê duyệt Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án không vượt quá 15,2%. Tỷ suất lợi nhuận chính thức của nhà đầu tư được xác định thông qua đấu thầu theo quy định của pháp luật. Đối với trường hợp chỉ định nhà đầu tư, tỷ suất lợi nhuận của nhà đầu tư tối đa không vượt quá 10,6%.

Khi hệ thống pháp lý mới được hoàn thiện và áp dụng, cơ hội phát triển và đầu tư dự án mới theo hình thức PPP được kỳ vọng sẽ xuất hiện trong nhiều lĩnh vực, không chỉ giới hạn trong các lĩnh vực truyền thống như đường bộ, năng lượng, cấp nước..., mà còn bao gồm các lĩnh vực cơ sở hạ tầng và dịch vụ công ứng dụng công nghệ thông tin, đường sắt, hàng không, logistics...

Khi các “rào cản” được gỡ bỏ, các dự án PPP tại Việt Nam phù hợp với thông lệ quốc tế, tiềm năng thị trường hạ tầng của Việt Nam sẽ là cơ hội cho các nhà đầu tư quốc tế. Đồng thời, nhiều tập đoàn tư nhân trong nước ngày càng mạnh lên về tiềm lực tài chính, công nghệ, xây dựng, kỹ năng quản lý và vận hành các dự án quy mô lớn. Đây còn là điều kiện tạo cơ sở kỳ vọng một thế hệ nhà đầu tư PPP mới trong và ngoài nước chuyên nghiệp và có năng lực tốt hơn để tham gia các dự án PPP thế hệ mới tại Việt Nam trong thời gian tới.

Ý kiến của bạn

Bình luận