Định mức, đơn giá áp cho các dự án, công trình giao thông đang bộc lộ quá nhiều bất cập khiến các doanh nghiệp giao thông từ tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát đến nhà thầu xây lắp khó đủ đường, càng làm càng lỗ.
Hàng loạt nhà thầu danh tiếng còn đang đứng trước nguy cơ thiếu hụt nguồn nhân lực, không tuyển được lao động do nghề giao thông quá vất vả, thu nhập lại không bằng đi làm… xe ôm. Tạp chí Giao thông vận tải khởi đăng loạt bài: “Bất cập đơn giá, định mức công trình giao thông”.
Kỳ 3: Tuyển sinh viên cầu đường khó như... lên trời
Những năm gần đây, nguồn vốn đầu tư cho GTVT giảm đáng kể, kéo theo nhân lực giảm, dẫn đến nhu cầu đăng ký vào học ngành kỹ thuật xây dựng giao thông cũng giảm theo. Thậm chí, lãnh đạo nhiều trường còn phải vận động sinh viên trúng tuyển các ngành khác sang theo học ngành cầu đường để cho đủ... chỉ tiêu.
Khó thu hút người học vì đầu ra thu nhập thấp
Là lãnh đạo trung tâm lớn đào tạo đội ngũ kỹ sư xây dựng giao thông hàng đầu cả nước, chia sẻ về khó khăn trong công tác tuyển sinh, PGS. TS. Nguyễn Ngọc Long - Hiệu trường Trường Đại học GTVT cho biết, những ngành học vốn là thế mạnh của Nhà trường như: Công trình, Kinh tế xây dựng... hiện đang gặp khó trong tuyển sinh vì người học và cha mẹ học sinh cho rằng công việc này khi ra trường sẽ vất vả, thu nhập thấp. Mặt khác, nhiều doanh nghiệp thời gian qua không có việc làm, do đó không có nhu cầu tuyển dụng, từ đó tác động ngược đến đầu ra đào tạo của trường.
“Khó khăn của ngành GTVT giai đoạn vừa qua tác động không nhỏ tới sự lựa chọn của người học. Tuy nhiên, đất nước nào cũng đều cần có cơ sở hạ tầng giao thông tốt, bởi đó là điều kiện cơ bản cho sự phát triển, hy vọng trong tương lai, đây có thể lại là những ngành “hot””, PGS. TS. Nguyễn Ngọc Long chia sẻ.
Thực tế cho thấy, đơn giá, định mức đang áp dụng ở mức quá thấp dẫn đến mức lương chi trả cho kỹ sư, công nhân ngành GTVT kém hấp dẫn so với mặt bằng nhiều ngành nghề khác. Đây là một trong những nguyên nhân tác động đến công tác tuyển sinh của các trường đại học, cao đẳng đào tạo trong Ngành. Hiện nay, thu nhập bình quân của người lao động ở các doanh nghiệp xây dựng giao thông khoảng 7 - 9 triệu đồng, ở các vị trí công tác cao khoảng từ 15 - 16 triệu đồng chỉ ở mức trung bình so với mặt bằng thu nhập các ngành nghề dù đây là ngành nghề vất vả, nặng nhọc.
Nhiều giải pháp tìm lối thoát cho sinh viên cầu đường
Nhằm thu hút người học, từng bước giải tỏa nỗi lo thiếu nguồn nhân lực đào tạo, mỗi cơ sở đào tạo ngành GTVT đang có những giải pháp khác nhau. Trong đó, một trong những giải pháp quan trọng là đổi mới chương trình, gắn kết doanh nghiệp với nhà trường; nghiên cứu và chuyển giao khoa học nhằm nâng cao chất lượng đào tạo để doanh nghiệp sử dụng sinh viên khi ra trường.
Từ hoạt động liên kết đào tạo, doanh nghiệp không chỉ có được đội ngũ kế cận chuẩn đầu ra, mà còn được tham gia sâu hơn vào quá trình đào tạo, từ khâu phát triển chương trình, tham gia đào tạo, thi, kiểm tra đánh giá, tuyển dụng người học sau khi tốt nghiệp. Nhiều trường đại học, cao đẳng, trung cấp ngành GTVT đã chủ động tìm đến các doanh nghiệp, tập đoàn lớn phối hợp xây dựng chương trình đào tạo, mời lãnh đạo các doanh nghiệp, kỹ sư giỏi cùng tham gia đào tạo, giúp sinh viên ra trường làm chủ được công nghệ, thực hiện công việc được ngay, từ đó doanh nghiệp không phải mất chi phí đào tạo lại và có điều kiện trả lương cao cho người lao động...
Đơn cử như Trường Đại học Công nghệ GTVT (UTT) đã chủ động tìm đến doanh nghiệp để liên kết đào tạo. Nhà trường đã ký hợp tác đào tạo với Công ty Cổ phần FECON, Công ty CP Licogi 16... Theo hợp đồng liên kết giữa FECON và UTT, để có thể nhận kỹ sư ngay sau khi ra trường, Công ty sẽ đồng hành với Nhà trường cải tiến chương trình đào tạo phù hợp với yêu cầu và tình hình thực tiễn của doanh nghiệp.
FECON sẽ trực tiếp tham gia vào quá trình tổ chức đào tạo như cử chuyên gia tham gia giảng dạy một số nội dung chuyên môn, tham gia hướng dẫn thực hành, thực tập, dạy kỹ năng mềm và văn hóa doanh nghiệp cho sinh viên. Sinh viên sẽ được học tập lý thuyết, thí nghiệm tại trường; học thực hành, thực tập tại các công trường của FECON với các thiết bị máy móc hiện đại. Sinh viên được FECON cam kết tuyển dụng ngay sau khi tốt nghiệp nếu đáp ứng một số tiêu chí đưa ra, đồng thời được hoàn trả toàn bộ học phí trong suốt khóa học, được cấp học bổng khuyến khích học tập trong từng năm học...
Đánh giá về mô hình doanh nghiệp và cơ sở đào tạo, ông Trần Trọng Thắng - Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT FECON cho biết, với một doanh nghiệp hướng đến phát triển hạ tầng như FECON, việc tìm kiếm một cơ sở đào tạo có thể cung cấp và đáp ứng được nguồn nhân lực chất lượng cao là rất quan trọng. Ký kết hợp đồng hợp tác đào tạo với Trường Đại học Công nghệ GTVT giúp FECON chủ động nguồn nhân lực có trình độ, tiết kiệm được chi phí và thời gian đào tạo, mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp.
Sự sụt giảm sinh viên theo học khối kỹ thuật xây dựng công trình hạ tầng giao thông bởi về lâu dài, một đất nước muốn phát triển thì hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng GTVT là vô cùng quan trọng, đóng vai trò nền tảng cho sự phát triển xã hội. Để thu hút được nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao ngành GTVT đòi hỏi nhiều yếu tố, trong đó xây dựng hoàn thiện cơ chế chính sách phát triển như quy định đơn giá, định mức có tác động cơ bản, lâu dài đang thật sự là nỗi lo không chỉ với các cơ sở đào tạo mà cần có cái nhìn chia sẻ, trách nhiệm của những người hoạch định chính sách.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.