Kết hợp sức mạnh chung
Hàng năm, trên thế giới có hơn 1,3 triệu người chết cùng khoảng từ 20 - 50 triệu người bị thương do TNGT đường bộ. Điều này đã khiến cho TNGT đường bộ trở thành một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Trong đó, 90% số người chết là từ các nước có nguồn thu nhập thấp và trung bình thiệt hại ước tính lên tới từ 3 - 5% GDP tại mỗi nước này. Với thiệt hại về nhân mạng và vật chất lớn ở mức không thể đo đếm được, đảm bảo ATGT, gìn giữ sinh mạng của con người đã trở thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm không chỉ ở hầu hết các quốc gia, mà còn cần sự chung tay, hợp tác quốc tế.Ở Việt Nam, trung bình mỗi ngày có khoảng 20 người chết vì TNGT và số người bị thương khoảng gấp 3 lần con số đó. Riêng trong năm 2020, dù công tác đảm bảo trật tự, ATGT đã đạt được nhiều kỳ tích với việc liên tục thiết lập nhiều kỷ lục giảm thiểu TNGT, tuy nhiên vẫn còn xảy ra với con số thương vong khiến không ai có thể ngồi yên.
Tình hình trật tự, ATGT nói chung và công tác đảm bảo trật tự, ATGT đường bộ nói riêng hiện nay đã có nhiều chuyển biến tích cực trong thập kỷ vừa qua với việc giảm rất sâu cả 3 tiêu chí TNGT về số vụ, số người chết, số người bị thương. Kết quả này đạt được là nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng sự chung tay góp sức hữu hiệu của các tổ chức chính trị xã hội.
Nhiều năm trở lại đây, hợp tác quốc tế trong công tác đảm bảo trật tự, ATGT rất được chú trọng với hàng loạt chương trình hành động mang tới hiệu quả cao. Có thể khẳng định rằng, bên cạnh “nội lực” của nước ta, sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế đã tiếp thêm nguồn sức mạnh rất lớn cho thành quả giảm thiểu TNGT của Việt Nam. Nguồn sức mạnh ấy được thể hiện rõ nét nhất ở hai lĩnh vực gồm: Nguồn lực vật chất với các gói tài trợ; nguồn lực về chất xám với sự phối hợp nghiên cứu, chia sẻ các thành quả khoa học. Điều này đã giúp những nỗ lực đảm bảo trật tự, ATGT có thể đạt được những bước đột phá vượt trội.
Vì lẽ đó, việc kế thừa thành tựu, học hỏi kinh nghiệm quốc tế đã trở thành một trong những “mũi nhọn” tiến lên trong công tác đảm bảo trật tự, ATGT, xây dựng môi trường giao thông Việt Nam ngày càng hiện đại hơn, an toàn hơn, văn minh hơn, bắt nhịp với sự phát triển mạnh mẽ của nhân loại.
Góp sức với những bước đột phá
Trong các tổ chức chính trị xã hội tích cực đóng góp vào công tác đảm bảo trật tự, ATGT, Hội ATGT Việt Nam được đánh giá là một “lá cờ đầu”, là “cầu nối” người dân với chính sách ATGT, đặc biệt là kênh kết nối hợp tác quốc tế về ATGT của Việt Nam với các quốc gia bạn bè. Trên thực tế, hợp tác quốc tế của Hội đã góp phần rất lớn khi được cụ thể hóa các kết quả nghiên cứu khoa học vào hệ thống quy phạm pháp luật như góp ý sửa đổi Nghị định 46/2015... cũng như cụ thể hóa nhiều hành động trong công tác đảm bảo trật tự, ATGT.
Nhận thức được tầm quan trọng của thập kỷ ATGT đường bộ do Liên hợp quốc phát động giai đoạn 2021 - 2020, Hội ATGT Việt Nam đã tích cực kết nối với các đối tác và tổ chức quốc tế như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Hiệp hội An toàn Đường bộ toàn cầu (GRSP), Quỹ Phòng chống thương vong châu Á, Công ty Dow Chemical Việt Nam (trực thuộc Tập đoàn Dow, Mỹ), Hiệp hội các doanh nghiệp rượu châu Á - Thái Bình Dương (APIWSA), Honda Việt Nam, Toyota Việt Nam, Suzuki Việt Nam... Các hoạt động hợp tác đã phát hàng nghìn chiếc mũ bảo hiểm cho học sinh tiểu học; thử nghiệm sử dụng sơn giao thông hệ nước công nghệ Fastrack trên đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ...
Đáng chú ý là có thể kể đến là nghiên cứu ảnh hưởng của việc lạm dụng đồ uống có cồn đến hành vi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy của người tham gia giao thông tại Việt Nam. Từ kết quả nghiên cứu được chia sẻ và truyền thông rộng rãi đến các bộ, ngành Trung ương và địa phương; tổ chức các chuỗi hội thảo tập huấn tại TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Nghệ An...
Đặc biệt, kết quả hợp tác quốc tế với APIWSA và Diễn đàn Uống có trách nhiệm Việt Nam dưới sự hỗ trợ của Ủy ban ATGT Quốc gia, các chuyên gia đã công bố và chia sẻ kết quả nghiên cứu ảnh hưởng của việc lạm dụng đồ uống có cồn đến hành vi điều khiển mô tô và xe gắn máy tại Việt Nam, đưa ra khuyến nghị giải pháp về tăng cường thực thi pháp luật với các cơ quan quản lý nhà nước giảm nồng độ cồn trong máu (BAC) cho phép về 0 (tuyệt đối không có nồng độ cồn trong máu)..., từ đó góp ý để Nghị định 100/2019 ra đời. Có thể thấy, Nghị định 100/2019 đã trở thành một tiêu điểm thu hút sự ủng hộ rất lớn của người dân, bởi nó đã giúp môi trường giao thông Việt Nam có được bước chuyển mình vô cùng mạnh mẽ.
Yêu cầu của thời đại
Ở góc độ tổng thể toàn cầu, Liên hợp quốc cùng các tổ chức quốc tế như WHO, GRSP... với đội ngũ chuyên gia hàng đầu luôn đưa ra nghị quyết, khuyến nghị, sáng kiến, giải phấp tập trung vào các nguy cơ gây ra TNGT cao khi tham gia giao thông. Đặc biệt là WHO luôn khuyến nghị của 129 nước thành viên, quan tâm đến việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản luật và dưới luật toàn diện; xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông đồng bộ, an toàn; chú trọng công tác kiểm tra, thẩm định ATGT các tuyến tỉnh lộ, quốc lộ hiện đang khai thác, sắp đưa vào khai thác, cũng như ngay từ khâu thiết kế...
Một trong những yêu cầu của thời đại ngày nay là hợp tác quốc tế trong công tác đào tạo, sát hạch lái xe; tuyên truyền giáo dục đi kèm với các biện pháp tăng cường xử lý vi phạm hành chính khi tham gia giao thông; nghiên cứu, áp dụng hệ thống điểm thưởng - phạt cho lái xe. Mặt khác, cần tăng cường chất lượng đăng kiểm, phương tiện an toàn; xây dựng và hoàn thiện hệ thống cấp cứu TNGT, tập huấn sơ cứu cho lái xe; đáp ứng đầy đủ chế tài cho những người cấp cứu nạn nhân TNGT. Cùng với đó là xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về TNGT quốc gia với cơ chế phối hợp, chia sẻ dữ liệu đường bộ; tăng cường hoàn thiện cơ sở pháp lý và trang thiết bị áp dụng công nghệ hiện đại, tiên tiến trong quản lý, điều hành GTVT.
Vì lẽ đó, trong thời gian tới, thực hiện chiến lược quốc gia bảo đảm trật tự, ATGT đường bộ giai đoạn 2021 - 2030 với tầm nhìn đến năm 2045, các bộ, ngành, địa phương không thể không chú trọng đến công tác hợp tác quốc tế về ATGT, dù dịch Covid-19 đã và đang ảnh hưởng rất nhiều đến công tác này.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.