“Luồng xanh”- Kỳ 3: Khắc phục tồn tại để tăng năng lực và hiệu quả

Tác giả: Vũ Thành Vũ

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 17/08/2021 08:59

Từ thực tế tổ chức vận tải trong bối cảnh dịch COVID-19 đã phát sinh một số tồn tại cần giải quyết để nâng cao năng lực và hiệu quả "luồng xanh".

Thống nhất, đồng bộ hệ thống chốt kiểm soát

 Thực tế trong thời gian qua, quá trình các địa phương lập chốt kiểm soát, đặc biệt là chốt kiểm soát trên quốc lộ phòng chống dịch Covid-19 đã xuất hiện bất cập là sự chuẩn bị chưa tốt, truyền thông, hướng dẫn và phương thức bố trí chốt, tổ chức giao thông tại chốt còn thiếu hợp lý, dẫn tới sự lúng túng, bất ngờ đối với người tham gia giao thông. Điều này dẫn tới ùn tắc, thậm chí là xảy ra TNGT.

“Điển hình như vụ TNGT tại Bình Thuận ngày 31/7 làm 1 người chết và 6 người bị thương, bao gồm 2 cán bộ CSGT đang đứng trực tại chốt. Đây là một bài học rất lớn về vấn đề tổ chức giao thông”, ông Khuất Việt Hùng – Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia bày tỏ.

A7_00885
Lực lượng Thanh tra GTVT và CSGT thực hiện nhiệm vụ kép "vừa chống dịch, vừa đảm bảo TTATGT" tại cửa ngõ Thủ đô Hà Nội.

Theo ông Khuất Việt Hùng, tại các chốt, một mặt cần làm tốt việc kiểm soát phòng, chống dịch nhưng cũng phải đảm bảo tuyệt đối ATGT, chống ùn tắc giao thông, đảm bảo giao thông thông suốt. Bởi, tình trạng ùn tắc giao thông, chờ đợi nhau ở các chốt chắc chắn tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Cùng với đó, khi các địa phương lập chốt kiểm dịch, nhất định phải thống nhất, đồng bộ với Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) và các cơ quan chức năng của Bộ GTVT. Bởi, theo Luật Giao thông đường bộ, Bộ trưởng Bộ GTVT mới có thẩm quyền tổ chức giao thông trên quốc lộ. Việc thống nhất là để đồng bộ vị trí, địa điểm, phương án tổ chức giao thông phù hợp nhằm đảm bảo an toàn, thông suốt. Song hành với đó là công tác truyền thông đến người dân, người tham gia giao thông để tránh tình trạng ùn tắc tại chốt kiểm dịch, làm tăng nguy cơ lây nhiễm COVID-19.

Việc tổ chức “luồng xanh” cần phải triển khai  thành phương án thống nhất, đặc biệt là đối với xe tải lưu thông qua địa bàn phải có sự phân loại để đảm bảo giao thông thông suốt. Điển hình như xe vận tải không có điểm đầu, điểm cuối trên địa bàn thì phải có phương án tổ chức riêng cho xe lưu thông tránh địa bàn, tránh tình trạng bất cập là phương tiện không thể qua địa bàn nên phải quay đầu, dù không dừng, đỗ ở địa bàn.

Trung tá Phạm Đức Đông – Phó Trưởng phòng Hướng dẫn công tác tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ thuộc (Cục CSGT) cũng cho biết, thời gian qua, Cục CSGT đã nhận được nhiều phản ánh của người tham gia giao thông về công tác tổ chức giao thông ở nhiều nơi chưa đảm bảo và chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế, chưa đồng bộ ở các nút giao thông dẫn tới một số vướng mắc như khi CSGT phát hiện vi phạm, người dân thường có phản ứng bất bình. Đây cũng là một trong những nguồn cơn dẫn tới việc chống người thi hành công vụ.

Lực lượng Công an các địa phương cần tăng cường phối hợp với ngành GTVT khảo sát, kiến nghị về những bất hợp lý về tổ chức giao thông. Bởi, đây là vấn đề rất quan trọng, liên quan rất lớn đến người tham gia giao thông. Theo yêu cầu thực tế, Công an các địa phương cần xây dựng phương án tổ chức phân luồng giao thông từ xa trên các tuyến đường trọng điểm phục vụ kiểm soát dịch COVID-19 để không bị ùn tắc giao thông kéo dài và trên diện rộng làm ảnh hưởng đến việc vận chuyển và lưu thông hàng hóa.

A7_00697
Lực lượng CSGT và Cảnh sát cơ động thực thi nhiệm vụ kiểm soát phương tiện luồng xanh tại cửa ngõ Thủ đô Hà Nội.

Tăng cường năng lực giám sát

Ông Khuất Việt Hùng cho rằng, “luồng xanh” là để ưu tiên các phương tiện có thể nhận diện được qua chốt kiểm dịch nhanh, để hàng hóa được thông suốt, giúp hàng hóa, thực phẩm nhanh chóng đến tay người dân, những người đang có nhu cầu bức thiết về thực phẩm ở khu vực bị phong tỏa, vì vậy, luồng xanh cũng mang tính nhân văn cao cả.

“Có những xe chở sữa bị hỏng, thực phẩm hỏng phải đổ đi. Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, nơi thì người dân không có để sử dụng, nơi thì phải đổ đi hàng chục tấn chuối, hàng chục nghìn lít sữa như vậy thì quá lãng phí”, ông Khuất Việt Hùng bày tỏ.

Cũng theo ông Khuất Việt Hùng, để tăng khả năng lưu thông, hạn chế lây lan dịch bệnh, tại chốt kiểm dịch, lực lượng chức năng không cần dừng xe kiểm tra chi tiết đối với những phương tiện có giấy nhận diện "luồng xanh" gắn mã QR, đã khai báo y tế điện tử mà có thể dùng điện thoại thông minh quét mã QR. Khi quét cho ra thông tin về tài xế, người trên xe, phương tiện, thông tin xét nghiệm. Trong trường hợp những thông tin này không đúng với thực tế hoặc không đạt yêu cầu, thì mới kiểm tra.

“Ngay cả trong trường hợp tài xế mặc dù không phải là người khai trong hồ sơ đăng ký nhưng đã có đủ điều kiện về giấy phép lái xe, về phòng, chống dịch, có khai báo y tế, có xét nghiệm âm tính còn hiệu lực, phương tiện được cấp luồng xanh thì phải tiếp tục cho tham gia giao thông theo đúng quy định. Cần quán triệt tinh thần này, bởi nếu không có thể gây chậm lưu thông, dẫn tới ùn tắc”, ông Khuất Việt Hùng cho biết.

Cũng theo ông Khuất Việt Hùng, giấy nhận diện "luồng xanh" không phải điều kiện kinh doanh mà để giúp lực lượng chức năng tại chốt kiểm dịch nhận diện những đối tượng đã được phê duyệt lưu thông trong phòng chống dịch đã cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng ngành GTVT để đơn giản hóa thủ tục.

“Quét mã QR không phải là kiểm tra mà là giám sát. Nếu giám sát phát hiện thông tin không đúng thì mới tiến hành kiểm tra. Cần quán triệt tinh thần này để giải quyết tình hình ắch tắc giao thông”, ông Khuất Việt Hùng nhấn mạnh với các địa phương.

Mạnh tay với hành vi trục lợi, nâng cao hiệu quả luồng xanh

Theo lãnh đạo Cục CSGT – Bộ Công an, một trong những nổi cộm thời gian qua là tình trạng lợi dụng việc cấp mã QR để vi phạm pháp luật. Lực lượng CSGT ghi nhận nhiều trường hợp xe "luồng xanh" không vận chuyển hàng thiết yếu mà vận chuyển hàng cấm, hàng lậu, gian lận thương mại; chở người từ vùng dịch đến các địa phương khác không đúng quy định, chở người nhập cảnh trái phép; làm giả hoặc sử dụng mã QR của xe khác; đặc biệt là việc tảy xóa thời hạn giấy xét nghiệm COVID-19 để qua chốt;…

A7_00923
Một chiến sỹ CSGT thực hiện nhiệm vụ điều tiết, hướng dẫn giao thông tại cửa ngõ TP Hà Nội.

Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng cho rằng, đây hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, thậm chí là tội phạm buôn lậu. Đối với những đối tượng này, các lực lượng chức năng cần khẩn trương xử lý nghiêm minh. Cùng với đó, quần chúng nhân dân cũng cần đấu tranh quyết liệt, không tiếp tay cho những hành vi vi phạm này.

Bà Phan Thị Thu Hiền- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN cho biết, các cấp, các ngành, đặc biệt là ngành GTVT và Công an đang tạo điều kiện rất nhiều cho hoạt động vận tải hàng hóa, nhằm tránh đứt gãy chuỗi cung ứng, lưu thông hàng hóa. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tình trạng doanh nghiệp, tài xế không thực hiện chuẩn chỉ các quy định, thậm chí còn lợi dụng sự ưu tiên này để thực hiện những hành vi vận chuyển trái với quy định của pháp luật.

Khi cấp phù hiệu, cũng như ưu tiên hoạt động cho xe "luồng xanh" thì đã quán triệt tinh thần là các doanh nghiệp vận tải phải chịu trách nhiệm và đảm bảo thực hiện theo quy định về an toàn phòng, chống dịch bệnh.

Từ thực tế đó, Hiệp hội Vận tải ô tô cần thiết phải biện pháp tuyên truyền, ngăn chặn những hành vi vi phạm, bởi điều này tiềm ẩn hậu quả rất lớn. Cùng với đó, lực lượng CSGT cũng như các lực lượng chức năng cần tăng cường xử lý nghiêm các vi phạm này.

Phó Tổng cục trưởng Phan Thị Thu Hiền cho biết, hiện, Tổng cục ĐBVN và các Sở GTVT đều đang tích cực triển khai phân luồng cho xe "luồng xanh" hoạt động. Đồng thời triển khai ưu tiên tiêm vaccine cho đội ngũ lái xe vận chuyển hàng hóa. Bởi, lực lượng tài xế này là “nòng cốt” trong việc lưu thông hàng hóa và cũng có nguy cơ lây nhiễm rất cao trong tình hình dịch bệnh phức tạp.

“Theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, chúng tôi đang tổng hợp toàn bộ số lượng lái xe vận chuyển hàng hóa trong mùa dịch này để thực hiện tiêm phòng ngay. Tôi cho rằng, đây là một giải pháp căn cơ, thay vì là một giải pháp mang tính ‘trước mắt’. Tiến tới, chúng ta phải sống an toàn với dịch bệnh mà tiêm phòng ngừa COVID-19 là ‘vũ khí’ tối ưu. Vì vậy, đội ngũ tài xế vận tải hàng hóa càng cần phải ưu tiên hàng đầu và cần thiết phải tiêm sớm nhất có thể”, bà Hiền bày tỏ.

A7_00836
Một tài xế thực hiện thủ tục tại chốt kiểm soát dịch trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ.

Mặt khác, theo bà Hiền, sau khi website "luồng xanh" bị tin tặc tấn công, Tổng cục Đường bộ VN đã nâng cấp hạ tầng và phần mềm hệ thống để tăng khả năng phục vụ doanh nghiệp.

Các Ban ATGT cũng cần phối hợp với các cơ quan liên quan để khảo sát và đề xuất cụ thể đối với những vướng mắc trong công tác tổ chức giao thông, cũng như cắm biển báo hiệu đường bộ, làm cơ sở chính thức cho việc điều chỉnh và có kế hoạch lâu dài.

 Còn theo ông Nguyễn Văn Thanh – nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, luồng xanh xuất phát từ ý tưởng của Bộ GTVT đã nhanh chóng cho thấy, sáng tạo này rất tốt, rất thức thời khi đáp ứng hiệu quả yêu cầu của bối cảnh. Từ yêu cầu của thực tế, hệ thống giám sát hành trình trên hàng triệu phương tiện kinh doanh vận tải cần được khai thác triệt để hơn nữa nhằm giúp việc vận hành luồng xanh nói chung và ưu điểm của hệ thống giám sát này phát huy hiệu quả tốt hơn nữa.

Ý kiến của bạn

Bình luận