Còn nhiều “nút thắt”
Tỷ lệ giải ngân 8 tháng và ước 9 tháng so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao đầu năm đã có sự chuyển biến tích cực so với các tháng đầu năm, đặc biệt là khối địa phương. Theo đó, 8 tháng đầu năm, tỷ lệ giải ngân cả nước so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao đầu năm đạt 49,95%, ước 9 tháng đạt 57,15%, cao hơn so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, 8 bộ, cơ quan Trung ương và 23 địa phương có tỷ lệ giải ngân đến 30/9 đạt trên 60%; Bộ GTVT, dự kiến đến hết tháng 9, kết quả giải ngân của Bộ ước đạt 25.694,235 tỷ đồng (bao gồm hoàn ứng trước kế hoạch 4.984,827 tỷ đồng, trả nợ xây dựng cơ bản 40,076 tỷ đồng), đạt 64,96% kế hoạch giao năm 2020.
Mặc dù kết quả giải ngân vốn đầu tư công trong tháng 9 và 9 tháng đầu năm có kết quả khả quan nhưng hiện nay vẫn còn tồn tại nhiều “nút thắt” tác động ảnh hưởng đến công tác giải ngân vốn đầu tư công. Theo Bộ Tài chính, nguyên nhân khiến công tác giải ngân vốn đầu tư công bị chậm là do vướng về cơ chế chính sách và trong quá trình thực hiện.
Cụ thể, về cơ chế chính sách, chính sách về giải phóng mặt bằng, tái định cư vẫn còn có vướng mắc, chưa được sự đồng thuận của người dân dẫn đến tình trạng khiếu kiện ảnh hưởng đến công tác giải phóng mặt bằng triển khai dự án. Đồng thời, Nghị định số 56/2020/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài hiệu lực thi hành từ ngày 25/5/2020 có nhiều quy định thay đổi so với nội dung các nghị định trước đó, đặc biệt là các nội dung liên quan đến quy trình điều chỉnh hiệp định vay dẫn đến việc các bộ, địa phương, chủ dự án còn lúng túng trong quá trình triển khai dự án.
Về một số vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện, đối với vốn nước ngoài (vốn ODA), đại diện Bộ Tài chính cho biết, do tác động của đại dịch Covid-19, một số dự án sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài gắn với khâu nhập máy móc, thiết bị cho đến huy động chuyên gia, nhân công, nhà thầu nước ngoài, tư vấn giám sát, thống nhất với nhà tài trợ (đặc biệt là World Bank) đối với từng hoạt động và kế hoạch của dự án... bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ thực hiện, hoạt động giải ngân, do đó cũng ngưng trệ do không có khối lượng, hoặc nếu có khối lượng thì cũng chậm được xác nhận.
Bên cạnh đó, các bộ, ngành còn gặp nhiều vướng mắc về thủ tục điều chỉnh các dự án. Theo quy định hiện nay, việc gia hạn khoản vay hay bất kỳ điều chỉnh hiệp định vay nào dẫn đến việc điều chỉnh chủ trương đầu tư thì phải thực hiện thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư trước. Quy trình điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với các dự án sử dụng vốn vay nước ngoài thường phức tạp và kéo dài dẫn đến việc một số dự án đã được bố trí vốn nhưng không thể rút vốn do chưa hoàn thành thủ tục điều chỉnh. Trong số này có một số dự án có số giao kế hoạch 2020 như Dự án Xây dựng Cảng Lạch Huyện vay JICA với dự toán 340 tỷ đồng, đến nay mới giải ngân được 4,7 tỷ đồng nhưng vẫn đang phải tiếp tục chuẩn xác giá trị dự kiến chuyển từ dự phòng sang xây lắp khoảng 448 tỷ đồng; Dự án Phát triển giao thông đô thị Hải Phòng vay JICA (dự toán vốn cấp phát 454 tỷ đồng).
Một trong những nguyên nhân tác động trực tiếp đến giải ngân vốn đầu tư công là sự chậm trễ trong việc triển khai thực hiện dự án. Về vấn đề chậm giải phóng mặt bằng, vướng mắc trong tái định cư là do trong công tác đấu thầu, ký hợp đồng, giải quyết tranh chấp giữa chủ đầu tư và nhà thầu do khác biệt giữa hợp đồng FIDIC (mẫu hợp đồng do Hiệp hội Quốc tế các kỹ sư tư vấn phát hành) và quy định trong nước tiếp tục là vấn đề nổi cộm của nhiều dự án sử dụng vốn vay ODA và vay ưu đãi. Nguyên nhân này thuộc trách nhiệm của chủ dự án và ban QLDA.
Quyết liệt tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công
Giải ngân vốn đầu tư công có vai trò rất quan trọng trong bối cảnh các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng do dịch Covid-19. Làm tốt công tác này sẽ thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ nhiều loại vật tư, nguyên liệu, qua đó tạo việc làm, góp phần tăng trưởng kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội. Theo Bộ Tài chính, để thúc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công thời gian tới, các cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Trung ương cần coi việc hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 là nhiệm vụ chính trị quan trọng của từng bộ, ngành và có cam kết tiến độ giải ngân vốn đầu tư công nguồn ODA, vay ưu đãi nước ngoài ở mức độ 100% dự toán được giao, làm cơ sở đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ. Đối với số vốn nước ngoài đã phân bổ các năm trước còn lại, nếu có khả năng giải ngân, các bộ, ngành cần sớm tổng hợp kế hoạch đầu tư công còn thiếu để Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, cân đối trong cả giai đoạn 2016 - 2020, song không vượt quá kế hoạch được Quốc hội giao. Đối với trường hợp không có khả năng hoàn thành khối lượng dự án theo tiến độ đặt ra thì sớm đề xuất cắt giảm, chuyển giao kế hoạch vốn đã được giao.
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải quyết liệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy mạnh mẽ giải ngân vốn đầu tư công, nhất là nguồn vốn ODA, tạo động lực góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm cho người lao động theo tinh thần các nghị quyết, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, từng bộ, ngành, địa phương tập trung rà soát kỹ danh mục các dự án đầu tư công, nắm bắt tình hình triển khai từng dự án để có biện pháp cụ thể đẩy nhanh tiến độ thực hiện hoặc điều chuyển vốn sang các công trình, dự án khác có khả năng giải ngân tốt, sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là phấn đấu giải ngân hết số vốn kế hoạch năm 2019 và những năm trước chuyển sang; tập trung tháo gỡ khó khăn, giải ngân tối đa nguồn vốn ODA được giao theo kế hoạch; thực hiện nghiêm việc đánh giá cán bộ, công chức, cơ quan, đơn vị liên quan trong triển khai thực hiện nhiệm vụ; xử lý nghiêm minh các trường hợp cố tình làm chậm, gây khó khăn, nhũng nhiễu, vi phạm quy định, lợi ích nhóm, tham nhũng, lãng phí về đầu tư công.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.