Có thể nói, chưa bao giờ thị trường ô tô trong nước xuất hiện một đợt giảm giá với diện bao phủ lớn và cường độ mạnh như hiện nay. Theo đánh giá của giới kinh doanh ô tô, những khó khăn chung của nền kinh tế đang gây nên sức ép vô cùng lớn lên sức mua và cả khả năng chống chịu của các doanh nghiệp.
Khi chỉ đơn thuần nhìn vào những số liệu thống kê bán hàng, có vẻ như ngành ô tô Việt Nam chưa đến mức bi quan như nhiều nhận định. Báo cáo của Hiệp hội các Nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) và hai hãng xe lớn không phải thành viên VAMA là Hyundai Thành Công và VinFast cho thấy, tổng sức mua trên toàn thị trường 3 tháng đầu năm thậm chí còn thể hiện những yếu tố khả quan.
Nếu như tổng lượng xe bán ra tháng đầu năm bị rơi sâu khi đặt cạnh tháng liền kề trước đó thì ngay lập tức, thị trường đã có liên tiếp hai tháng tăng trưởng tốt. Cụ thể, dung lượng thị trường tháng 1/2023 chỉ đạt 21.186 xe, rơi mất đến 56,9% so với tháng liền kề trước đó. Sang đến tháng 2, các doanh nghiệp ô tô bán được tổng cộng 28.913 chiếc, tăng trưởng 36,5% và đến tháng 3, lượng xe bán ra trên toàn thị trường đạt 36.726 chiếc, tăng 27% so với tháng trước đó.
Cú lao dốc của tháng đầu năm được cho là đến từ nguyên nhân thị trường rơi vào đợt nghỉ Tết nguyên đán kéo dài. Vì vậy, doanh số các tháng tiếp theo được kéo ngược lên cũng là hoàn toàn dễ hiểu.
Tuy nhiên, những số liệu bán hàng của các hãng xe thời gian qua trên thực tế không phản ảnh đúng tình hình thị trường do gần như toàn bộ các hãng xe đang chấp nhận "cắt máu" để kích cầu. "Nguy cơ đổ vỡ sẽ trở nên rất rõ ràng khi các hãng xe hết nguồn kinh phí đổ vào những đợt kích cầu", giám đốc kinh doanh một hãng xe lớn tỏ ra lo ngại.
Số liệu thống kê chưa đầy đủ cho thấy, ở thời điểm tháng 3/2023, lượng xe tồn kho của các hãng ô tô lên đến gần 40.000 chiếc. Thậm chí ngay tại các đại lý ô tô lớn, lượng xe tồn kho cũng đang ở 2 con số. Nguồn vốn tồn đọng do xe tồn kho khiến các hãng xe đứng trước nguy cơ khủng hoảng.
Nhận định thị trường sẽ rất khó khăn, ngay từ đầu năm, VAMA, Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam (VAMI) và tỉnh Quảng Nam đã đề xuất Chính phủ lần thứ 3 áp dụng chính sách hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô lắp ráp trong nước (CKD). Sau đó, nhóm các doanh nghiệp ô tô nhập khẩu cũng đề nghị áp dụng chung chính sách hỗ trợ đối với cả xe CKD và xe nhập khẩu nguyên chiếc (CBU). Tuy nhiên, sau đó Bộ Tài chính đã có văn bản nêu quan điểm không đồng tình với chính sách hỗ trợ lệ phí trước bạ.
Động thái "từ chối" của Bộ Tài chính đã đẩy các doanh nghiệp ô tô vào tình thế buộc phải "rút ruột" để giảm giá, kích cầu.
Những ngày này, nếu khảo sát một vòng các đại lý ô tô sẽ nhận thấy không khí vô cùng ảm đạm. Sẽ rất khó để tìm ra một đại lý hay một hãng xe nào đang đứng ngoài "cơn bão" giảm giá.
Suốt từ tháng 3 cho đến nay, các hãng xe liên tiếp tung ra những đợt giảm giá, khuyến mại mạnh tay. Hầu hết các hãng xe đều áp dụng chính sách chung là hỗ trợ lệ phí trước bạ cho khách mua với tỷ lệ thấp nhất 50%. Thậm chí một số hãng xe lớn, ngoài chính sách hỗ trợ từ nhà sản xuất và phân phối, bản thân các đại lý cũng chấp nhận rút ruột để khuyến mại thêm nhằm lôi kéo khách hàng.
Có thể kể đến một số hãng xe đang tiến hành giảm giá bán rất sâu như Volkswagen giảm đến 200 triệu đồng cho khách mua mẫu xe Tiguan, Mercedes-Benz hỗ trợ 100% lệ phí trước bạ cho khách mua mẫu xe GLC 2022 (thế hệ X253), Nissan hỗ trợ toàn bộ trước bạ cho tất cả mẫu xe, Honda hỗ trợ 100% trước bạ cho khách mua xe CR-V, Subaru giảm giá gần 100 triệu đồng nhằm "thoát ế"…
Ngay cả một số thương hiệu lớn như Hyundai, Kia, Mazda hay Toyota cũng không thể đứng ngoài cuộc, thậm chí còn tung các đợt khuyến mại lớn hơn. Mức hỗ trợ 50-100% lệ phí trước bạ là rất lớn bởi trên thực tế tương đương với 6-12% giá bán lẻ niêm yết. Trong tháng 5/2023, Thaco đã chính thức tiến hành điều chỉnh giá bán lẻ đối với 2 thương hiệu có thị phần lớn là Kia và Mazda, mức giảm giá cao nhất đến 112 triệu đồng.
Đáng chú ý là ngoài việc được hưởng chính sách giảm giá, hỗ trợ lệ phí trước bạ từ nhà sản xuất và phân phối, người tiêu dùng còn có thể nhận được nhiều ưu đãi khác từ bản thân các đại lý. Thậm chí, khi các nhân viên kinh doanh bị áp doanh số, họ còn chấp nhận chuyển toàn bộ hoa hồng bán hàng cho khách.
"Siêu bão" giảm giá đang giúp mặt bằng giá bán lẻ ô tô được kéo xuống rất thấp. So với năm ngoái, giá bán lẻ thực tế của hầu hết các mẫu xe hiện nay thấp hơn khoảng 10-12%, tương ứng với số tiền lệ phí trước bạ mà người tiêu dùng phải nộp khi mua xe và đăng ký lưu hành. Vấn đề ở chỗ, theo các nhân viên bán hàng, đợt giảm giá có vẻ như vẫn chưa đủ hấp dẫn để lôi kéo khách hàng.
"Có thể phần đông người tiêu dùng không còn nhu cầu mua sắm phương tiện trong bối cảnh kinh tế khó khăn, thu nhập ngày càng eo hẹp hoặc còn một nguyên nhân khác, họ mong chờ giá xe tiếp tục giảm sâu hơn nữa. Mà như thế, chỉ còn cách ngành ô tô nhận được sự hỗ trợ từ Chính phủ", M.T, trưởng phòng kinh doanh của một đại lý Hyundai tại Hà Nội, chia sẻ quan điểm.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.