Bàn giải pháp gỡ khó nguồn cát làm cao tốc Cần Thơ - Cà Mau

Tác giả: Mỹ Lệ

saosaosaosaosao
Đường bộ 15/12/2022 17:58

Ngày 15/12, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm cùng Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên chủ trì buổi làm việc với lãnh đạo một số tỉnh ĐBSCL về nguồn vật liệu xây dựng phục vụ cho dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025, trong đó có cao tốc Cần Thơ - Cà Mau.



Bàn giải pháp gỡ khó nguồn cát làm cao tốc Cần Thơ - Cà Mau - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm phát biểu tại buổi làm việc

Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau cần khoảng18,5 triệu m3 cát đắp nền đường

Theo tính toán của Bộ GTVT, trong giai đoạn 2021 - 2025,  vùng ĐBSCL cần tổng nhu cầu cát đắp nền đường của các dự án khoảng 39 triệu m3. Trong đó, dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau khoảng18,5 triệu m3, dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng khoảng 17,8 triệu m3, còn lại là hai dự án cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh và Cao Lãnh - An Hữu. Ngoài ra, còn có các dự án giao thông khác do các địa phương đầu tư được triển khai thời gian tới. 

Tuy nhiên, tại cuộc họp, đại diện một số địa phương chỉ cam kết cung ứng nguồn cát đắp cho các dự án đi qua địa bàn tỉnh mình như: Cao tốc Châu Đốc - Sóc Trăng, cao tốc An Hữu - Cao Lãnh,... Riêng đối với dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, nhiều địa phương đều kêu khó vì  không đảm bảo có nguồn cát để phục vụ dự án này.

Bàn giải pháp gỡ khó nguồn cát làm cao tốc Cần Thơ - Cà Mau - Ảnh 2.

Ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban QLDA Mỹ Thuận

Ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban QLDA Mỹ Thuận cho biết, qua khảo sát và thực tế triển khai các dự án khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long trong thời gian qua, nguồn vật liệu cát đủ tiêu chuẩn sử dụng trực tiếp cho đường cao tốc chủ yếu tập trung ở các tỉnh đầu nguồn sông Tiền và sông Hậu (An Giang, Đồng Tháp); Các tỉnh hạ lưu sông Tiền và sông Hậu (Sóc Trăng, Vĩnh Long) có trữ lượng cát sông đã quy hoạch tương đối lớn nhưng lẫn nhiều bùn sét.
Bàn giải pháp gỡ khó nguồn cát làm cao tốc Cần Thơ - Cà Mau - Ảnh 3.

Khai thác cát trên sông Hậu thuộc địa bàn tỉnh Vĩnh Long

Đối với nguồn cát của khu vực khi có hàm lượng bùn sét cao từ 35 - 48%, nếu sàng rửa có thể sử dụng được cho dự án. Tuy nhiên, do tỷ lệ hao hụt cao nên dẫn đến giá thành tăng cao và hiện chưa có định mức cho sàng rửa cát nên khó khăn trong quá trình xác định dự toán chi phí thực hiện. 
Để giải quyết những khó khăn về vật liệu cho dự án, Ban QLDA Mỹ Thuận và lãnh đạo Bộ GTVT đã có nhiều cuộc họp làm việc với UBND các tỉnh: An Giang, Đồng Tháp, Trà Vinh, Bến Tre, Cần Thơ, Sóc Trăng,… đề nghị được hỗ trợ nguồn vật liệu cát đắp nền cung cấp cho dự án. 

Tuy nhiên, đến nay, chỉ có tỉnh An Giang dự kiến cung cấp cấp khoảng 1,1 triệu m3 cát cho dự án từ nguồn tăng 50% công suất các mỏ đang khai thác. Các địa phương khác trong khu vực đều chưa có kế hoạch cung cấp cát cho dự án.

Hai bộ sẽ báo cáo Chính phủ để điều tiết nguồn vật liệu

Tại buổi làm việc, ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, địa phương sẽ đảm bảo nguồn cát phục vụ cao tốc đoạn qua địa bàn tỉnh. Qua việc nâng công suất mỏ và nạo vét thông luồng, tỉnh sẽ hỗ trợ thêm khoảng 6 triệu m3 cát cho Cần Thơ, Hậu Giang khi cần. Theo ông Thứ, các địa phương không có vật liệu cát đắp cần quyết liệt hơn, có các kiến nghị gửi đến các bộ ngành, Chính phủ. 

Đối với tỉnh Đồng Tháp và Vĩnh Long, hai địa phương có lượng cát sông dồi dào, thế nhưng chưa cam kết hỗ trợ cho dự án cao tốc. 

Trong khi đó, ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cam kết, sẵn sàng chia sẻ vật liệu cát cho các tỉnh không có nguồn. Tuy nhiên, khó khăn của Sóc Trăng là vị trí nằm ở cuối nguồn sông Hậu nên cát lòng sông thuộc Sóc Trăng có chất lượng xấu (cát, bùn xen kẽ và lẫn nhiều tạp chất), khó đáp ứng chất lượng. 

Theo ông Lâu, hiện nay, địa phương có nguồn cát biển dồi dào, trữ lượng lớn. Nếu thời gian tới các bộ, ngành nghiên cứu đánh giá và thử nghiệm thành công thì nguồn cát này đảm bảo cung ứng cho cả khu vực. Đối với cát sông, hiện nay, địa phương có 12 mỏ cát, trong đó có 2 mỏ được cấp phép với trữ lượng khoảng 3 triệu m3. Đối với 10 mỏ còn lại có 5 mỏ được khảo sát và trữ lượng khoảng 2 triệu m3,...

Về phía Bộ GTVT, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm cho biết, hiện nay, công tác GPMB cho dự án Cần Thơ - Cà Mau được các địa phương thực hiện rất quyết liệt. Nhưng một trong những yếu tố quan trọng quyết định đến tiến độ dự án là việc xử lý nền đất yếu. Do đó, việc chuẩn bị nguồn cát đắp cho dự án cần phải hoàn thành trước khi khởi công. Nếu nguồn cát cung cấp nhỏ giọt thì dự án sẽ bị kéo dài. 

Dự kiến, ngày 1/1/2023 sẽ khởi công đồng loạt 12 dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2. Theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ là ngay khi khởi công sẽ huy động công trường. Do đó, cần phải có vật liệu cát đắp để xử lý nền đất yếu từ 12 - 14 tháng. "Ngoài việc đảm bảo thời gian gia tải chúng ta phải đối mặt với các bất lợi từ thời tiết, vì vậy thời gian thi công còn lại cho dự án là rất ít", Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm chia sẻ.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm, hiện nay, nhu cầu cát đắp trong năm 2023 khoảng 16 triệu m3; hơn 20 triệu m3 sẽ được dùng trong năm 2024 và số còn lại sẽ sử dụng trong năm 2025.  Do đó, Bộ GTVT đề nghị các địa phương tính toán lại trữ lượng và mong muốn Bộ TN&MT sẽ có sự điều tiết phù hợp.

 

Bàn giải pháp gỡ khó nguồn cát làm cao tốc Cần Thơ - Cà Mau - Ảnh 4.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên phát biểu tại cuộc họp

Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên đánh giá, việc phát triển hạ tầng cho khu vực ĐBSCL cần phải được ưu tiên. Từ đó, ông Kiên đề nghị các cơ quan liên quan và các địa phương cần rà soát cụ thể nhu cầu và nguồn cát trên địa bàn, tính toán cân đối cho 2 tuyến cao tốc, trong đó, ưu tiên cho cao tốc Cần Thơ - Cà Mau để đến năm 2026 - 2027 hoàn thành 400km đường cao tốc ở ĐBSCL. 

Thông tin từ các tỉnh, việc nâng công suất mỏ lên 50% đều chưa có báo cáo cụ thể. Qua việc khảo sát trực tiếp tại các mỏ cát trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long với trữ lượng rất lớn. Tuy nhiên, tỉnh này đang ưu tiên cho các dự án tại địa phương và chưa cân đối nguồn cát để phục vụ các cao tốc. 

Do đó, Bộ TN&MT đề nghị tỉnh Vĩnh Long nghiên cứu khảo sát và tính toán các trữ lượng mỏ để đăng ký khối lượng cụ thể. "Việc khai thác cát sông phải luôn đảm bảo an toàn, không làm ảnh hưởng dòng chảy và phải bố trí giám sát trong quá trình khai thác. Bộ TN&MT sẽ phối hợp với Bộ GTVT để có báo cáo gửi Chính phủ nhằm điều tiết nguồn vật liệu, phục vụ cho các dự án trọng điểm quốc gia", ông Kiên cho biết.

Ý kiến của bạn

Bình luận