Tín hiệu vui trên cao tốc Cần Thơ - Cà Mau

Tác giả: Mỹ Lệ

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 06/03/2024 18:24

Trên công trường đã có sự chuyển biến tích cực, nhà thầu đã đưa cát về và tập trung máy móc thi công, tranh thủ thời tiết thuận lợi để lấy lại tiến độ dự án.

Ngày 6/3, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm cùng đoàn công tác đã có buổi kiểm tra tình hình thi công của dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau. 

Tín hiệu vui trên cao tốc Cần Thơ - Cà Mau- Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng kiểm tra tình hình thi công đoạn Hậu Giang - Cà Mau

Công trường có chuyển biến tích cực 

Đó là nhận định của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng sau khi kiểm tra tình hình thi công hai đoạn cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau. 

Lãnh đạo Bộ GTVT khẳng định, đây là dự án huyết mạch của quốc gia, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nhất là đối với khu vực đồng bằng sông Cửu Long. 

Thời gian qua, dự án gặp khó khăn, vướng mắc về nguồn vật liệu. Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng lãnh đạo Bộ GTVT đã đặc biệt quan tâm, tích cực làm việc với các địa phương để tháo gỡ nguồn cát đắp. 

Tín hiệu vui trên cao tốc Cần Thơ - Cà Mau- Ảnh 2.

Nhà thầu tập trung thi công trên tuyến

Kiểm tra thực tế tại công trường, tình hình thi công đã có những chuyển biến tích cực. Lãnh đạo Bộ GTVT biểu dương tinh thần trách nhiệm cao của Ban QLDA Mỹ Thuận đã tích cực tháo gỡ khó khăn nguồn cát cũng như đẩy nhanh tiến độ dự án.

“Chúng ta đã đảm bảo được khối lượng cát để thi công, đây là sự nỗ lực lớn của tất cả các đơn vị. Với 3 triệu m3 cát còn thiếu, việc tính toán nâng công suất, khai thác cát biển để bổ sung thêm là rất cần thiết”, Bộ trưởng nói. 

Về vấn đề GPMB, lãnh đạo Bộ GTVT cũng nhấn mạnh đây là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Đối với việc thực hiện các dự án cao tốc giai đoạn 1, việc chậm GPMB và chậm di dời hạ tầng kỹ thuật đã ảnh hưởng không nhỏ đến dự án. Do đó, trong giai đoạn 2 này, địa phương và các bên đã phối hợp chặt chẽ, làm tốt công tác GPMB để dự án được triển khai thuận lợi. Tuy nhiên, hiện những vị trí vướng còn lại rất quan trọng, là “đường găng” quyết định đến tiến độ của dự án. Do đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng yêu cầu các bên phải quyết liệt xử lý. 

Bộ GTVT đề nghị tỉnh Kiên Giang phải xử lý dứt điểm các tồn tại trong tháng 3 đối với các vị trí còn lại như cầu kênh Cái Nhum, cầu Phó Sinh - Cạnh Đền.

Tín hiệu vui trên cao tốc Cần Thơ - Cà Mau- Ảnh 3.

Lãnh đạo tỉnh Kiên Giang cam kết bàn giao mặt bằng các vị trí còn lại trong tháng 3/2024

"Đối với Ban QLDA Mỹ Thuận phải tập trung chỉ đạo các nhà thầu, ưu tiên đắp nền tại các vị trí đất yếu, khẩn trương đắp gia tải trên toàn bộ tuyến chính. Nhà thầu phải tập trung hoàn thành đường công vụ trên tuyến vì đây là điều kiện đầu tiên tại công trường để thuận lợi đưa máy móc thi công, vận chuyển vật liệu, lưu ý ưu tiên tập trung thi công tại vị trí cầu trên tuyến", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Đối với các vị trí mặt bằng khó bàn giao, Ban QLDA Mỹ Thuận phải trực tiếp báo cáo với Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh để làm sao đảm bảo quyền và lợi ích của người dân, từ đó sớm bàn giao mặt bằng cho dự án. Đối với các trường hợp cố tình chây ì, địa phương phải quyết liệt xử lý, cưỡng chế, bảo vệ thi công để nhà thầu có mặt bằng sạch.

Lãnh đạo Bộ GTVT cũng yêu cầu nhà thầu chuẩn bị máy móc, nhân công để khi tỉnh Kiên Giang bàn giao mặt bằng thì tập trung thi công ngay. 

Chủ động nguồn cát sông và cát biển 

Theo ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban QLDA Mỹ Thuận, đến nay Ban đã tiếp nhận cả 2 dự án với khoảng 2,304 triệu m3 cát từ nguồn tăng công suất và các mỏ đang khai thác do các địa phương bố trí. 

Để dự án hoàn thành đúng tiến độ, giai đoạn từ 1/3 - 30/6, tổng khối lượng cát cần khoảng 6,1 triệu m3 để đắp gia tải; giai đoạn từ 30/6 - 30/8, tổng khối lượng cát cần khoảng 3,0 triệu m3; giai đoạn từ 30/8 - 30/10 khoảng 1,66 triệu m3

Tín hiệu vui trên cao tốc Cần Thơ - Cà Mau- Ảnh 4.

Bộ trưởng nghe báo cáo của Ban QLDA Mỹ Thuận và nhà thầu thi công đoạn Cần Thơ - Hậu Giang

Hiện tại có 17 mỏ các loại, đang khai thác 12/17 mỏ. Dự kiến trong tháng 3/2024, tất cả các mỏ ở An Giang đưa vào khai thác, khi đó công suất tối đa đạt 33.000 m3/ngày.  

Thực tế, khối lượng cát khai thác trong ngày hiện nay không đáp ứng nhu cầu thực tế thi công tại công trường. Đại diện nhà thầu CC1 kiến nghị Bộ GTVT có ý kiến với UBND tỉnh Đồng Tháp để xin nâng công suất các mỏ cát đang khai thác, đáp ứng tiến độ dự án.

Tín hiệu vui trên cao tốc Cần Thơ - Cà Mau- Ảnh 5.

Nhà thầu CC1 đại diện cho các nhà thầu cùng kiến nghị việc nâng công suất khai thác các mỏ cát

Liên quan đến nguồn vật liệu cho dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, người đứng đầu ngành GTVT khẳng định Bộ GTVT đã nỗ lực làm việc với địa phương để tháo gỡ khó khăn. Trong thời gian tới, Ban QLDA Mỹ Thuận phải tiếp tục làm việc với các tỉnh để sớm hoàn thành việc cấp mỏ giao cho nhà thầu, chủ động tính toán khối lượng cát để cung cấp cho dự án, thậm chí là phương án mua cát thương mại. 

"Ban QLDA Mỹ Thuận và các nhà thầu tiếp tục hoàn thiện nhanh thủ tục cấp mỏ với hai tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng về mỏ cát biển, đảm bảo xử lý thủ tục trong tháng 3 và khai thác từ tháng 4/2024. Ban QLDA Mỹ Thuận cân nhắc lựa chọn vị trí, đoạn tuyến phù hợp với yêu cầu địa chất của khu vực để sử dụng cát biển", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng chỉ đạo.

Tín hiệu vui trên cao tốc Cần Thơ - Cà Mau- Ảnh 6.

Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau cần khối lượng cát đắp nền rất lớn

Bộ trưởng quán triệt: “Đối với đoạn Cần Thơ - Hậu Giang dự kiến sử dụng 100% cát sông, do đó phải đảm bảo trữ lượng khai thác từng tuần, từng tháng. Đối với các mỏ còn trữ lượng nhưng bị khống chế khai thác hằng ngày cần bổ sung thủ tục để xin nâng công suất. Mặt khác, giữa các nhà thầu trong liên danh phải hỗ trợ, điều phối cát để ưu tiên các vị trí nền đất yếu. Nhà thầu phải chủ động làm việc với các địa phương, thậm chí chọn phương án mua bên ngoài”.

Lãnh đạo Bộ GTVT cũng yêu cầu các nhà thầu tập trung nhân lực thi công nhanh, gọn, phấn đấu sớm nhất có thể, đảm bảo 100% các đoạn tuyến của giai đoạn 2 được đưa vào sử dụng đúng thời điểm.

Cũng trong buổi kiểm tra, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng đã tặng quà động viên tinh thần thi công của các công nhân tại công trường.

Tín hiệu vui trên cao tốc Cần Thơ - Cà Mau- Ảnh 7.

Bộ trưởng tặng quà cho cán bộ, công nhân tại công trường Hậu Giang - Cà Mau

             
Tín hiệu vui trên cao tốc Cần Thơ - Cà Mau- Ảnh 8.

Bộ trưởng và lãnh đạo tỉnh Hậu Giang tặng quà cho các cán bộ, công nhân tại khu vực thi công nút giao IC5

             


Tín hiệu vui trên cao tốc Cần Thơ - Cà Mau- Ảnh 9.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang tại buổi kiểm tra.

             

Tín hiệu vui trên cao tốc Cần Thơ - Cà Mau- Ảnh 10.

Nhà thầu tổ chức lao lắp dầm tại cầu vượt nút giao IC5 qua địa bàn tỉnh Hậu Giang

Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau đi qua 5 tỉnh, thành phố: Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau, điểm đầu dự án tại nút giao IC2 (nút giao nối vào QL91 - Nam Sông Hậu, TP. Cần Thơ) và điểm cuối nối với tuyến tránh TP. Cà Mau. Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau là dự án cuối cùng của tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, khi hoàn thành sẽ khép kín trục dọc cao tốc, phá thế độc đạo của trục QL1 đang quá tải. Trong tương lai, tuyến sẽ kết nối các đường cao tốc trục ngang Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu cùng hệ thống các tuyến đường kết nối vùng Mê Kông.

Ý kiến của bạn

Bình luận