Bàn biện pháp đẩy nhanh tiến độ cao tốc Cần Thơ - Cà Mau

Tác giả: Mỹ Lệ

saosaosaosaosao
Đường bộ 29/02/2024 05:57

Đây là hai đoạn tuyến cao tốc trọng điểm của khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tuy nhiên tiến độ chung của dự án đang chậm do không đủ nguồn cát đắp nền đường, vướng giải phóng mặt bằng.

Ngày 28/2, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm cùng đoàn công tác đã có buổi kiểm tra và làm việc với Ban QLDA Mỹ Thuận (chủ đầu tư) và các nhà thầu thi công của dự án Cần Thơ - Cà Mau.

Bàn biện pháp đẩy nhanh tiến độ cao tốc Cần Thơ - Cà Mau- Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm kiểm tra khu vực thi công của dự án

Nhiều gói thầu còn chậm 

Ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban QLDA Mỹ Thuận cho biết, tiến độ thi công cao tốc Cần Thơ - Cà Mau còn chậm. Hiện nay, hai dự án thành phần là Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau đã tổ chức triển khai thi công đồng loạt trên tuyến với 166 mũi thi công, huy động 688 đầu máy thiết bị với 1.096 nhân sự (kỹ sư, công nhân, lái máy).

Nhà thầu đang tập trung triển khai thi công đào hữu cơ, đắp cát nền đường, cắm bấc thấm, thi công móng cấp phối và đặc biệt ưu tiên thi công các cầu trên tuyến.

Tổng sản lượng đến nay đạt 22% giá trị hợp đồng, trong đó đoạn Cần Thơ - Hậu Giang đạt 25%, đoạn Hậu Giang - Cà Mau đạt 20,6%. 

Nguyên nhân chậm tiến độ ngoài yếu tố khách quan là thiếu nguồn vật liệu cát đắp nền, vướng mặt bằng thi công thì vẫn còn yếu tố chủ quan như: Nhà thầu chưa tập trung thi công cầu, chưa quyết liệt tìm giải pháp thi công, huy động thiết bị chưa đủ như cam kết và thi công chậm (như các đơn vị: CC1, Tân Nam, 620, Vạn Cường… 

Ngoài ra, trong năm 2023, việc tổ chức thi công chưa theo trình tự và yêu cầu của Ban đặt ra, đến nay vẫn chưa hoàn thành đường công vụ toàn tuyến. Vì vậy, nhà thầu phải thay đổi cách làm, lập tiến độ mới, bám sát các yêu cầu chung của chủ đầu tư, từ đó chủ động phối hợp, đặc biệt là trong việc phân bổ nguồn cát.

"Các đơn vị phải chủ động phân công công việc trong thành viên liên danh, vì mục tiêu chung sớm hoàn thành dự án. Đối với nhà thầu Vạn Cường, nếu không có biện pháp thi công mới sẽ tiến hành điều chỉnh, giao khối lượng công việc cho nhà thầu đứng đầu liên danh", ông Thi khẳng định. 

Bàn biện pháp đẩy nhanh tiến độ cao tốc Cần Thơ - Cà Mau- Ảnh 2.

Thi công cầu Kênh Ngang trên tuyến cao tốc đoạn Cần Thơ - Hậu Giang

Đại diện Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT) cũng cho rằng việc tổ chức triển khai thi công của các nhà thầu trên công trường còn nhiều bất cập. “Chúng ta chưa dành toàn bộ nguồn cát để tập thi công đường công vụ và ưu tiên cho các vị trí đắp cao của tuyến chính. Nhà thầu tổ chức thi công không khoa học, mạnh ai người đó làm. Nếu tiếp tục tình trạng trên, dự án sẽ không thể hoàn thành vào cuối năm 2025”, ông Nguyễn Thế Minh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng nhận xét. 

Ông Minh yêu cầu nhà thầu phải đặt nhiệm vụ chung lên hàng đầu, phải ý thức được rằng nếu một hạng mục không hoàn thành thì toàn bộ dự án không thể hoàn thành.

Việc thiếu hụt nguồn vật liệu chỉ là một nguyên nhân. Do đó, nhà thầu phải chủ động tài chính, nhân lực, máy móc và tập trung thi công. Ban QLDA Mỹ Thuận phải điều hành tổng thể, xây dựng kế hoạch chi tiết, đặc biệt là trong việc điều phối cát, những hạng mục nào cần gia tải sớm phải đưa cát về ngay lập tức. 

Trong điều kiện cát sông khó khăn, nhà thầu phải chủ động và tập trung triển khai nguồn cát biển. Trong năm 2023, chúng ta xây dựng hoàn thành 35% kế hoạch nhưng không thực hiện được. Do đó, các nhà thầu phải xây dựng lại kế hoạch. Trong đó, đến ngày 30/6/2024 phải hoàn thành các cầu trên tuyến chính để triển khai các hạng mục tiếp theo của dự án. 

 Năm 2024 là năm tăng tốc

Theo Ban QLDA Mỹ Thuận, đơn vị đã đặt nhiệm vụ và kế hoạch năm 2024 để có thể hoàn thành dự án vào cuối năm 2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. 

Ban QLDA yêu cầu nhà thầu phải hoàn thành đắp K95 đến cao độ cắm bấc thấm và thi công cắm bấc thấm muộn nhất vào tháng 9/2024, đồng thời hoàn thành gia tải đến tháng 10/2024 và dỡ tải muộn nhất là tháng 7/2025; hoàn thành các hạng mục tiếp theo như lắp đặt cống hộp, hoàn thành kết cấu móng cấp phối đá dăm và toàn bộ cầu xong trước ngày 30/9/2025. 

Bàn biện pháp đẩy nhanh tiến độ cao tốc Cần Thơ - Cà Mau- Ảnh 3.

Ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban QLDA Mỹ Thuận báo cáo tại buổi làm việc

Để làm được điều này, trên cơ sở hồ sơ thiết kế điều chỉnh giải pháp xử lý nền đất yếu (giảm cự ly cắm bấc thấm), Ban QLDA Mỹ Thuận đã chỉ đạo nhà thầu, tư vấn giám sát lập kế hoạch phân bổ cát trên toàn bộ tuyến chính, từ đó triển khai công tác cắm bấc thấm, đắp gia tải và dỡ tải theo mốc tiến độ của từng dự án. Đây là vấn đề quyết định đến sự hoàn thành của dự án.

"Đường găng" sắp tới của dự án là nguồn vật liệu, thiết bị, trong đó thiết bị gần nhất là máy cắm bấc thấm. Trong tháng 3 tới đây, Ban QLDA sẽ làm việc với các địa phương về vật liệu đá, vì vậy nhà thầu phải chủ động nguồn vật liệu cấp phối đá dăm, bê tông nhựa, tập trung xây dựng bãi tập kết vật liệu, trạm trộn. 

"Chúng tôi sẽ làm việc với Sở GTVT tỉnh Trà Vinh, chủ động về các hồ sơ thủ tục, chuẩn bị thiết bị máy móc để có thể khai thác cát biển. Đặc thù của khu vực chỉ có thể khai thác từ tháng 4 đến tháng 11 hằng năm, do đó tất cả các nhà thầu phải chủ động việc tập kết vật liệu để không phụ thuộc vào các nhà cung cấp về sau”, ông Thi nêu rõ.

Sau khi nghe các đơn vị báo cáo, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm đánh giá cao sự nỗ lực của các đơn vị, tuy nhiên việc tổ chức thi công tại công trường chưa đúng như cam kết.

Bàn biện pháp đẩy nhanh tiến độ cao tốc Cần Thơ - Cà Mau- Ảnh 4.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm kiểm điểm tiến độ dự án

Hiện nay, tình hình triển khai chung của các dự án trọng điểm ngành GTVT được Chính phủ quan tâm và chỉ đạo sát sao, đặc biệt là việc tháo gỡ khó khăn về nguồn cát đắp. 

Qua kiểm tra công trường, nhiều nhà thầu thi công chưa quyết liệt, tiến độ còn chậm. Nếu không có sự thay đổi và tổ chức triển khai khoa học, tăng cường huy động tài chính, thiết bị, con người, tăng mũi thi công thì dự án không thể hoàn thành như cam kết. 

Lãnh đạo Bộ GTVT yêu cầu các nhà thầu bám sát các kế hoạch của Ban QLDA Mỹ Thuận, ưu tiên tập trung thi công tại các hạng mục "đường găng" của dự án, đồng thời tập trung hoàn thành các cầu trên tuyến chính, đẩy nhanh thủ tục tại các mỏ vật liệu. Trong đó, biện pháp tổ chức thi công, công tác điều hành dự án là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất, cần được đặc biệt lưu ý.

“Thời gian hoàn thành dự án còn chưa đầy 22 tháng nhưng khối lượng công việc thì rất lớn. Khu vực thi công nằm trong vùng khí hậu 2 mùa mưa, do đó nhà thầu phải tập trung quyết liệt thi công, đẩy nhanh thủ tục và nâng công suất các mỏ vật liệu để đảm bảo tiến độ. Khi nhà thầu có sự quyết tâm thì sẽ tìm được biện pháp để thực hiện”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Ý kiến của bạn

Bình luận