Cách nào đẩy nhanh tiến độ cao tốc Cần Thơ - Cà Mau?

Tác giả: Mỹ Lệ

saosaosaosaosao
Đường bộ 23/05/2024 14:59

Đây là hai đoạn tuyến cuối cùng của trục cao tốc Bắc - Nam và là những dự án trọng điểm của khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, tiến độ chung của dự án đang chậm do không đủ nguồn cát đắp nền đường, trong khi mốc tiến độ cuối cùng phải hoàn thành trước ngày 31/12/2025 vẫn giữ nguyên.


Mấu chốt để tháo gỡ tiến độ cho dự án

Ngày 23/5, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm đã có buổi làm việc với Ban QLDA Mỹ Thuận, nhà thầu thi công, tư vấn giám sát… cùng các đơn vị có liên quan về tình hình triển khai thi công cao tốc Cần Thơ - Cà Mau.

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm khẳng định, cao tốc Cần Thơ - Cà Mau phải được hoàn thành trong năm 2025 theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Cách nào đẩy nhanh tiến độ cao tốc Cần Thơ - Cà Mau?- Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm làm việc với các đơn vị

"Hiện nay, trong 12 dự án của cao tốc Bắc - Nam thì có những dự án sẽ hoàn thành trước ngày 30/6/2025. Tuy nhiên, tại cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, tiến độ chung của dự án vẫn còn chậm, nguyên nhân là do việc thi công của từng dự án có thuận lợi, khó khăn khác nhau nên thời gian về đích cũng khác nhau. Do đó, Ban QLDA Mỹ Thuận, các nhà thầu cần báo cáo cụ thể tình hình thi công, nguyên nhân chậm là do đâu? Các khó khăn về vật liệu đã dần được tháo gỡ, vậy vì sao công trường vẫn chưa thể thi công?", Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm nêu thực trạng.

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban QLDA Mỹ Thuận cho biết, tổng giá trị sản lượng thi công đến nay đạt 29% hợp đồng, trong đó: Đoạn Cần Thơ - Hậu Giang đạt 31,25%, đoạn Hậu Giang - Cà Mau đạt 28%.

Cách nào đẩy nhanh tiến độ cao tốc Cần Thơ - Cà Mau?- Ảnh 2.

Ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban QLDA Mỹ Thuận báo cáo tại buổi làm việc

Về tình hình cấp cát của các mỏ, đến nay cả 2 dự án đã tiếp nhận khoảng 3,9 triệu m3 cát từ nguồn tăng công suất và các mỏ đang khai thác do các địa phương bố trí, công suất trung bình khoảng 26.000 m3/ ngày. Trong khi đó, nhu cầu còn lại của cả 2 dự án cần khoảng 11,2 triệu m3. Vì vậy, để đảm bảo hoàn thành dự án trong năm 2025, việc huy động cát về công trường phải đáp ứng theo các mốc như sau:

Giai đoạn từ 21/5 đến 30/8/2024: Tổng khối lượng cát cần khoảng 6,8 triệu m3 với công suất trung bình theo nhu cầu là 67.300 m3/ngày. Giai đoạn từ 30/8 - 30/10/2024, tổng khối lượng cát cần khoảng 4,4 triệu m3 với công suất trung bình theo nhu cầu là 73.300 m3/ngày. 

Cách nào đẩy nhanh tiến độ cao tốc Cần Thơ - Cà Mau?- Ảnh 3.

Nhà thầu tập trung đưa cát về dự án, đẩy nhanh tiến độ thi công

Hiện nay, khu vực có 17 mỏ các loại, đang khai thác 12/17 mỏ, công suất các mỏ và công suất khai thác của một số nhà thầu vẫn chưa đảm bảo. Do đó, Ban QLDA Mỹ Thuận yêu cầu các nhà thầu khi khai thác cát phải đảm bảo các quy định của pháp luật. Nhà thầu phải có sự chuẩn bị máy móc, phương tiện để khai thác, vận chuyển cát về công trường. 

Nhà thầu đảm bảo tài chính cho dự án

Để đảm bảo công tác khai thác và vận chuyển với công suất và khối lượng lớn, các nhà thầu đều mong muốn quá trình thanh toán, tạm ứng vốn cho nguồn vật liệu dự án được ưu tiên hơn.

Ông Bùi Mạnh Hùng, đại diện Công ty Cổ phần Xây dựng Hạ tầng Bắc Trung Nam (đơn vị đứng đầu liên danh Gói thầu XL01 cao tốc Hậu Giang - Cà Mau) cho biết, đơn vị cam kết sẽ hoàn thành gói thầu trước ngày 31/12/2025. Tuy nhiên, các nhà thầu kiến nghị Ban QLDA Mỹ Thuận linh hoạt hơn cho việc tạm ứng dòng tiền trong việc huy động nguồn vật liệu. 

Cách nào đẩy nhanh tiến độ cao tốc Cần Thơ - Cà Mau?- Ảnh 4.

Nhà thầu mong muốn việc khai thác cát biển sớm được triển khai

Đơn vị này cũng kiến nghị, hiện nay đơn giá của cát biển cao hơn cát sông, do đó cần tính toán lại dự toán chi phí vật liệu đầu vào cho các nhà thầu. Đồng thời, việc khai thác cát biển chỉ thực hiện được từ tháng 5 đến tháng 10, do đó các nhà thầu phải chủ động về thời gian cũng như công tác huy động thiết bị, các thủ tục phù hợp để đảm bảo khai thác. 

Ngoài ra, nhà thầu cũng kiến nghị trong khi chờ cát biển từ tỉnh Sóc Trăng được khai thác, trước mắt có thể sử dụng mua cát biển thương mại tại tỉnh Trà Vinh đưa về công trường để đáp ứng nhu cầu cấp bách của các dự án.

Trước những đề xuất, kiến nghị của nhà thầu, Ban QLDA Mỹ Thuận cho biết, đơn vị sẽ tập trung rà soát các quy định phù hợp, từ đó có phương án thanh toán cho nhà thầu hợp lý. Tuy nhiên, các nhà thầu phải chuẩn bị nhân lực cho công tác nội nghiệp, đồng thời chuẩn bị hồ sơ hoàn chỉnh để rút ngắn quá trình thanh quyết toán của dự án. 

Đối với việc tạm ứng, Ban QLDA Mỹ Thuận khẳng định việc này phụ thuộc vào tiến độ thi công chi tiết tại công trường. Đối với việc phê duyệt giá vật liệu, trong điều khoản hợp đồng ký kết giữa Ban QLDA Mỹ Thuận và nhà thầu đã nêu rõ và đây là giá chung ban đầu. Khi các nhà thầu được cấp mỏ khai thác, đơn vị sẽ phối hợp với địa phương để xác định công bố giá vật liệu phù hợp.

Huy động thiết bị, tổ chức thi công hợp lý

Qua báo cáo của các đơn vị, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm nhấn mạnh, đối chiếu với báo cáo và qua buổi kiểm tra hiện trường của 2 dự án, nhìn chung công tác thi công có nhiều chuyển biến tích cực khi một số khó khăn về nguồn cát đã được tháo gỡ, hình hài của tuyến đường đã hình thành. Tuy nhiên, dự án vẫn còn chậm tiến độ do địa chất khu vực đồng bằng sông Cửu Long phức tạp.

Cách nào đẩy nhanh tiến độ cao tốc Cần Thơ - Cà Mau?- Ảnh 5.

Lãnh đạo Bộ GTVT kiểm tra tình hình thi công tại công trường

“Để đẩy nhanh tiến độ dự án, Ban QLDA và nhà thầu phải vạch ra chi tiết từng vấn đề và có phải pháp cụ thể. Về giải phóng mặt bằng, những điểm còn vướng phải làm việc lại với địa phương để xử lý dứt điểm. Về vật liệu khai thác cát, nhà thầu phải tập trung khai thác cát sông và đưa về công trường. Quá trình khai thác mỏ cát tại các địa phương, nhà thầu phải đảm bảo các quy định, chủ động làm việc với các tỉnh để giải quyết từng vấn đề trong quá trình khai thác”, Thứ trưởng yêu cầu.

Về công tác tổ chức triển khai thi công, Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm nhấn mạnh đây là nội dung quan trọng nhất cho việc đẩy nhanh tiến độ dự án trong giai đoạn sắp tới và chỉ rõ: "Các nhà thầu phải tập trung thi công tại công trường, xây dựng tiến độ phù hợp. Giai đoạn trước chúng ta xác định ưu tiên về tháo gỡ vật liệu, hoàn thành đường công vụ, các cầu trên tuyến. Do đó, giai đoạn này phải tập trung thi công phần đường, gia tải đất yếu…".

Cách nào đẩy nhanh tiến độ cao tốc Cần Thơ - Cà Mau?- Ảnh 6.

Công tác gia tải, cắm bấc thấm tại dự án cao tốc Hậu Giang - Cà Mau

Thứ trưởng lưu ý: “Nhiệm vụ của giai đoạn này là phải tập trung thi công tại từng gói thầu, đây là trách nhiệm chính của mỗi đơn vị, cá nhân, do đó việc xây dựng kế hoạch, tăng ca tăng kíp để lấy lại tiến độ bị chậm trước đó phải do nhà thầu chủ động. Ban QLDA Mỹ Thuận, các nhà thầu đứng đầu liên danh phải có chỉ đạo điều hành, điều phối ở công trường hợp lý”.

“Ban QLDA Mỹ Thuận cần tập trung xử lý linh hoạt các khoản thanh toán để tháo gỡ khó khăn tài chính cho các nhà thầu; rà soát lại các định mức, thông báo giá vật liệu cụ thể của từng địa phương và báo cáo chi tiết để Bộ GTVT phối hợp với Bộ Xây dựng thống nhất và ra thông báo chính thức về giá vật liệu, đặc biệt là sớm công bố tại các địa phương có dự án cao tốc Bắc - Nam đi qua. Đồng thời, các nhà thầu phải có các giải pháp cụ thể để rút ngắn thời gian gia tải, xây dựng kế hoạch mới, có các phương án dự phòng, chuẩn bị nguồn vật liệu cho các hạng mục về sau”, Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm chỉ đạo.

Ý kiến của bạn

Bình luận