Nhà thầu cam kết bảo hành đường cao tốc 10 năm, chuyên gia nói gì?

Tác giả: Nhóm PV

saosaosaosaosao
Đường bộ 27/10/2022 16:24

Nếu nhà thầu chỉ thi công mặt đường và cam kết chỉ bảo hành phần mặt đường trong 10 năm thì không ai đồng ý nổi vì công trình là từ móng cho tới mặt đường.

Nhà thầu cam kết bảo hành đường cao tốc 10 năm, chuyên gia nói gì? - Ảnh 1.

Nhà thầu Sơn Hải thi công tại gói thầu XL10 cao tốc Mai Sơn - QL45

"Không ai đồng ý nhà thầu chỉ cam kết bảo hành riêng mặt đường"

Ngày 25/10, Tập đoàn Sơn Hải phát văn bản gửi Bộ GTVT cam kết bảo hành 10 năm với các gói thầu trên những tuyến cao tốc do Tập đoàn Sơn Hải thực hiện. Cụ thể, ngoài các gói thầu đang đảm nhiệm thi công ở các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1, Tập đoàn Sơn Hải còn cam kết bảo hành 10 năm đối với các gói thầu tiếp theo của giai đoạn 2 trên cao tốc Bắc - Nam mà Tập đoàn Sơn Hải được đảm nhận.

"Mặt đường không hằn lún, không bong bật, mặt đường bằng phẳng, êm thuận kể cả đoạn tiếp giáp vào cầu (khi lưu thông không gặp ghềnh), trong mọi trường hợp xe quá tải trọng, quá lưu lượng, thời tiết bất lợi cũng không làm thay đổi nội dung cam kết bảo hành 10 năm của đơn vị và Nhà nước không chi bất cứ một khoản tiền gì trong quá trình duy tu, sửa chữa trong thời gian 10 năm bảo hành", nội dung cam kết của Tập đoàn Sơn Hải nêu rõ.

Thông tin Tập đoàn Sơn Hải đưa ra trong thời điểm chỉ còn ít tháng nữa các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 sẽ tiến hành lựa chọn nhà thầu theo hình thức chỉ định đã gây xôn xao dư luận.

PV Tạp chí Giao thông vận tải trao đổi với các chuyên gia giao thông, đại diện các cơ quan quản lý nhà nước tại các gói thầu, dự án cao tốc do Tập đoàn Sơn Hải đảm nhiệm vai trò nhà thầu, nhà đầu tư để làm rõ vấn đề.

Chia sẻ với Tạp chí GTVT, TS.Nguyễn Ngọc Long, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội KHKT Cầu đường Việt Nam cho biết, công tác quản lý khai thác, duy tu bảo dưỡng, bảo hành là cụm công việc luôn gắn chặt với nhau, không thể tách rời từng việc ra một.

Tuổi thọ của một tuyến đường và bảo hành có thể tăng lên phụ thuộc vào các yếu tố: Quá trình xây dựng bảo đảm tốt; quá trình quản lý khai thác tốt (không để xe quá tải hoạt động, không để tắc nghẽn cống rãnh, ứ đọng nước làm hỏng đường,…); quá trình duy tu bảo dưỡng đúng quy trình, quy định.

"Nếu quản lý khai thác không tốt, cứ để xe quá tải cày nát đường, ứ đọng nước làm hỏng đường thì trách nhiệm thuộc về người bảo hành hay người bảo dưỡng?", ông Long đặt vấn đề và cho biết, có rất nhiều nguyên nhân gây hư hỏng mặt đường như: Quá trình xử lý nền đất yếu ở lớp dưới thi công không tốt hoặc không phát hiện ra các hoạt động của nước ngầm tự nhiên làm nhão nền,…

Nếu nhà thầu chỉ thi công mặt đường và cam kết chỉ bảo hành mặt đường trong 10 năm thì không ai đồng ý nổi vì công trình là từ móng cho tới mặt đường.
TS.Nguyễn Ngọc Long

Từng nhiều năm công tác trong ngành GTVT, đặc biệt là tại thời điểm triển khai xây dựng dự án nâng cấp, mở rộng QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên, ông Triệu Khắc Dũng - nguyên Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (nay là Cục Quản lý đầu tư xây dựng, Bộ GTVT) cho biết, trong 2 - 3 năm đầu công trình hoàn thành xây dựng và đưa vào vận hành, khi công trình có khiếm khuyết về chất lượng, nhà thầu phải bỏ tiền để sửa, đấy là nghĩa vụ, trách nhiệm của nhà thầu.

"Thông thường, tuổi thọ của mặt đường bê tông nhựa là trên 10 năm, thậm chí trước đây còn lên tới 15 - 18 năm. Tuy nhiên, không có nghĩa là xuyên suốt thời gian đó mặt đường vẫn giữ nguyên như thế không cần làm gì. Thực tế, các tiêu chuẩn của thế giới cũng như Việt Nam định ra, để giữ được tuổi thọ của công trình thì phải tiểu tu, trung tu, đại tu định kỳ để giải quyết tình trạng lão hóa mặt đường theo thời gian", ông Dũng nói.

Theo ông Dũng, trong quá trình nâng cấp, mở rộng QL1 và đường Hồ Chí Minh trước đây, Tập đoàn Sơn Hải có ưu điểm lớn về trang thiết bị, công nghệ hiện đại nhưng lại khác biệt so với các công nghệ, quy trình làm đường trong nước nên khó có tính đồng bộ.

"Đối với các gói thầu thuộc dự án nâng cấp, mở rộng QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên trước đây do Tập đoàn Sơn Hải đảm nhiệm thi công và cam kết bảo hành 5 năm, các cơ quan chức năng cần tổ chức khảo sát, đánh giá lại thực tế kết cấu còn chịu được ở mức độ như thế nào? Nếu vẫn tốt, đảm bảo các tiêu chí thì cần phải điều chỉnh lại quy trình, quy phạm trong khâu thiết kế", ông Dũng chia sẻ.

Đề cập đến nội dung Tập đoàn Sơn Hải cam kết bảo hành 10 năm đối với các gói thầu cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1, ông Dũng nói thẳng: "Hợp đồng các gói thầu này đã ký rồi, trong đó đã có quy định thời gian bảo hành 24 tháng. Bây giờ nhà thầu cam kết bảo hành 10 năm thì có sửa hợp đồng hay không? Nếu không sửa hợp đồng thì chẳng ai giữ được tiền bảo hành của doanh nghiệp. Bởi quy định hiện nay là bảo hành 2 năm, khi hết thời hạn, chủ đầu tư, ban quản lý dự án sẽ phải trả khoản tiền giữ bảo hành lại cho nhà thầu. Khi đó, nhà thầu cam kết bảo hành 10 năm cũng chỉ là tuyên bố suông, chứ không có giá trị về mặt pháp lý".

"Dù sao cam kết bảo hành 10 năm đối với các gói thầu cao tốc cũng chỉ là tuyên bố riêng của riêng Tập đoàn Sơn Hải, điều này không ảnh hưởng gì đến các nhà thầu khác đang tuân thủ làm đúng theo quy trình, quy phạm, đúng yêu cầu. Không phải vì nhà thầu này tuyên bố điều gì mà các nhà thầu khác cũng phải làm theo như vậy", ông Dũng chia sẻ thêm.

Cần đàm phán lại hợp đồng để giữ tiền bảo hành trong 10 năm

Ở góc độ quản lý dự án, trao đổi với Tạp chí GTVT, đại diện Ban điều hành dự án cao tốc Mai Sơn - QL45 (Ban QLDA Thăng Long) - nơi Tập đoàn Sơn Hải đang thi công gói thầu XL10 của dự án nói thẳng: "Vấn đề bảo hành 10 năm đường cao tốc, tôi có hai góc nhìn. Ở góc nhìn tích cực, cam kết này thể hiện nhà thầu rất tự tin về chất lượng công trình của họ. Điều này cũng tác động đến các doanh nghiệp khác trong việc nâng cao năng lực, sự chuyên nghiệp, đầu tư máy móc, thiết bị, công nghệ,…".

Vị này cho rằng, việc nhà thầu cam kết bảo hành 10 năm gây xôn xao dư luận những ngày qua đó là sự tự nguyện của nhà thầu. Theo quy định, trong thời gian bảo hành, chủ đầu tư giữ khoản tiền bảo đảm bảo hành của nhà thầu.

"Nếu bảo hành 10 năm thì chủ đầu tư giữ tiền của nhà thầu trong 10 năm, sau thời gian đó mới trả. Hiện nay, theo hợp đồng đã ký kết tại cao tốc Mai Sơn - QL45, Tập đoàn Sơn Hải bảo hành các hạng mục do đơn vị thi công trong 24 tháng. Nếu cam kết bảo hành 10 năm thì nhà thầu sẽ phải đàm phán lại với chủ đầu tư để ký kết lại các điều khoản liên quan tới bảo hành 10 năm và chủ đầu tư sẽ giữ lại khoản tiền bảo đảm bảo hành trong thời hạn trên".

Nhà thầu cam kết bảo hành đường cao tốc 10 năm, chuyên gia nói gì? - Ảnh 3.

Chất lượng của cao tốc Nha Trang - Cam Lâm trong suốt vòng đời dự án do nhà đầu tư chịu trách nhiệm nên việc cam kết bảo hành đối với dự án cao tốc Bắc - Nam theo hình thức PPP là 5 năm, 10 năm, 20 năm không có giá trị gì

"Ngoài ra, còn nhiều vấn đề liên quan tới duy tu, bảo dưỡng, độ bền công trình,… có thể cũng phải thay đổi. Thông thường, thời gian 10 năm đã phải đại tu mà giờ bảo hành 10 năm thì tiểu tu, trung tu, đại tu có còn cần nữa không? Trong quá trình 10 năm bảo hành vượt quy trình, quy phạm này, nhà thầu phải chấp nhận thực hiện hết mọi việc liên quan tới chất lượng công trình, bao gồm phát sinh hư hỏng", đại diện Ban QLDA Thăng Long nói.

Ngoài hai gói thầu XL10 cao tốc Mai Sơn - QL45 và XL01 cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu thực hiện bằng hình thức đầu tư công (sử dụng vốn ngân sách nhà nước), Tập đoàn Sơn Hải còn cam kết trong văn bản bảo hành 10 năm toàn bộ dự án cao tốc Nha Trang - Cam Lâm. Cần phải nhấn mạnh, cao tốc Nha Trang - Cam Lâm là dự án thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP), sau khi hoàn thành nhà đầu tư sẽ được thu phí để hoàn vốn.

Trao đổi với Tạp chí GTVT, một chuyên gia thuộc Cục Đường cao tốc Việt Nam (Bộ GTVT) cho biết, cao tốc Nha Trang - Cam Lâm là dự án tổ chức lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu thầu. Trong bước đấu thầu đã chốt cứng tổng vốn đầu tư, thời gian hoàn vốn, nhà đầu tư làm theo cơ chế "lời ăn lỗ chịu" và chịu toàn bộ trách nhiệm về công tác duy tu, bảo trì, bảo dưỡng tuyến đường.

"Chất lượng của cao tốc Nha Trang - Cam Lâm trong suốt vòng đời dự án do nhà đầu tư chịu trách nhiệm. Bất cứ khi nào công trình có hư hỏng, xuống cấp hay khiếm khuyết về chất lượng thì nhà đầu tư phải tự bỏ kinh phí ra để sửa chữa, khắc phục nên việc nhà đầu tư cam kết bảo hành đối với dự án cao tốc Bắc - Nam theo hình thức PPP là 5 năm, 10 năm, 20 năm không có giá trị gì cả", vị này chia sẻ.

Ý kiến của bạn

Bình luận