Nhà thầu chỉ đồng ý giữ lại tiền bảo hành trong 2 năm
Theo nguồn tin riêng của PV Tạp chí Giao thông vận tải, Ban QLDA6 vừa làm việc với các đơn vị trong liên danh nhà thầu gói thầu XL-01, dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu (Ban QLDA6 - chủ đầu tư) về việc bảo hành công trình đường cao tốc 10 năm theo đề xuất của Tập đoàn Sơn Hải.
Trao đổi với Tạp chí Giao thông vận tải, đại diện Ban QLDA6 cho biết, gói thầu XL-01 cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu có giá trị hợp đồng là 1.077 tỷ đồng do liên danh Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải - Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả - Công ty CP Xây dựng Đèo Cả là nhà thầu thi công.
Phần việc của Tập đoàn Sơn Hải ở gói thầu XL-01 là thi công 50% khối lượng của hạng mục hầm Trường Vinh và hơn 5,2km đường. "Trong hợp đồng đã ký kết với liên danh nhà thầu, gói thầu này có thời gian bảo hành là 24 tháng theo đúng quy định của pháp luật hiện hành", đại diện Ban QLDA6 nói và cho biết, sau khi có văn bản đề xuất của Tập đoàn Sơn Hải cam kết bảo hành công trình 10 năm và ý kiến chỉ đạo của Bộ GTVT, chủ đầu tư đã làm việc với các nhà thầu trong liên danh để bàn phương án xử lý.
"Tại buổi làm việc vừa diễn ra, phía nhà thầu Sơn Hải đưa ra ý kiến sẽ bảo hành công trình 10 năm nhưng chỉ đồng ý bị giữ tiền bảo hành trong 2 năm theo hợp đồng, còn lại 8 năm sẽ bảo hành bằng uy tín của nhà thầu. Trong khi đó, các nhà thầu khác trong liên danh khẳng định, thời gian bảo hành gói thầu sẽ thực hiện đúng theo hợp đồng đã ký kết là 24 tháng", vị này chia sẻ.
"Chúng tôi hoan nghênh đề xuất bảo hành công trình 10 năm của Tập đoàn Sơn Hải nhưng nếu nhà thầu chỉ chịu bị giữ lại 5% tiền bảo hành công trình trong 24 tháng như hợp đồng đã ký kết thì rất khó xử lý, bởi 8 năm còn lại nếu không giữ lại tiền bảo hành của nhà thầu thì chẳng có gì để ràng buộc cả"
"Chẳng hạn, kết thúc thời gian 2 năm từ khi công trình đưa vào khai thác, nhà thầu lấy lại tiền bảo hành, sau đó công trình mới bị hỏng hóc, khiếm khuyết về chất lượng, khi đó chúng tôi phát văn bản yêu cầu nhà thầu sửa chữa mà họ không sửa thì không biết phải xử lý thế nào vì tiền giữ bảo hành họ đã lấy lại rồi", đại diện Ban QLDA6 nói thêm, đây là vấn đề chưa có tiền lệ nên sẽ tổng hợp ý kiến của các nhà thầu trong liên danh để báo cáo Bộ GTVT xem xét, xử lý.
Bình luận về vấn đề này, trao đổi với Tạp chí GTVT, đại diện Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT) nói: "Việc doanh nghiệp cam kết bảo hành thời gian nhiều hơn quy định là sự tự nguyện của doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong việc bảo hành công trình, yếu tố tiên quyết là phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, quy định của hợp đồng ký kết. Nếu nhà thầu chỉ cam kết thời gian bảo hành dài hơn mà không giữ lại khoản tiền bảo đảm bảo hành hoặc bảo lãnh ngân hàng thì là cam kết suông, chẳng có ý nghĩa gì".
Bộ GTVT yêu cầu các chủ đầu tư làm rõ đề xuất của Tập đoàn Sơn Hải
Liên quan đến vấn đề này, theo thông tin của Tạp chí Giao thông vận tải, ngày 8/11/2022, Bộ GTVT có Văn bản 11678 đề nghị các Ban Quản lý dự án: 6, Thăng Long, đường Hồ Chí Minh; Công ty TNHH đầu tư đường cao tốc Nha Trang - Cam Lâm xem xét đề nghị của Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải.
Văn bản do Thứ trưởng Lê Đình Thọ ký cho biết, Bộ GTVT nhận được Văn bản 289/CV-TĐSH ngày 25/10/2022 của Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải về việc cam kết bảo hành 10 năm đường cao tốc do Tập đoàn Sơn Hải thực hiện.
Bộ GTVT ghi nhận và đánh giá cao ý thức đảm bảo chất lượng công trình, tinh thần tự nguyện cam kết bảo hành chất lượng công trình của Công ty. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện cần được tuân thủ theo quy định hợp đồng đã ký kết và các quy định pháp luật về đầu tư xây dựng. Trên cơ sở đó, Bộ GTVT đề nghị các đơn vị liên quan xem xét đề nghị của Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải.
Cụ thể, đối với dự án Mai Sơn - QL45 và Nghi Sơn - Diễn Châu, Bộ GTVT cho biết, đây là các dự án đầu tư công, trong đó Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải tham gia với vai trò là thành viên của nhà thầu liên danh (gói thầu số 10-XL đoạn Mai Sơn - QL45 và gói thầu số XL01 đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu).
Do đó, Bộ GTVT yêu cầu Ban QLDA Thăng Long, Ban QLDA6 làm việc trực tiếp với Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải và các thành viên liên danh khác để rà soát kỹ các quy định hợp đồng như: Phạm vi công việc và trách nhiệm của các thành viên trong liên danh; thời gian bảo hành và mức tiền giữ lại để bảo hành; trách nhiệm vận hành, bảo trì công trình trong thời gian bảo hành và các nội dung liên quan khác, trên cơ sở đó đề xuất phương án thực hiện đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật, đảm bảo tính khả thi cũng như quy định rõ trách nhiệm của các bên liên quan, chế tài xử lý trong trường hợp vi phạm.
Đối với dự án cao tốc Nha Trang - Cam Lâm, Bộ GTVT cho biết, đây là dự án đầu tư theo hình thức PPP (hợp đồng BOT), doanh nghiệp dự án (Công ty TNHH đầu tư đường cao tốc Nha Trang - Cam Lâm) là chủ đầu tư dự án. Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải là nhà thầu thi công trực tiếp ký kết với doanh nghiệp dự án.
Bộ GTVT yêu cầu nhà thầu thi công làm việc với doanh nghiệp dự án để xử lý theo thẩm quyền trên nguyên tắc nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án có trách nhiệm thực hiện vận hành khai thác theo quy định của hợp đồng BOT như: Bảo hiểm trong quá trình vận hành, khai thác; Quản lý và tổ chức vận hành công trình sau khi hoàn thành; Công tác bảo trì công trình dự án; Công tác quản lý trong giai đoạn vận hành khai thác; Thời hạn và chi phí quản lý, bảo trì của Doanh nghiệp dự án; Chi phí vận hành khai thác, bảo trì….
"Ban QLDA đường Hồ Chí Minh cần kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện của các bên, đảm bảo tuân thủ hợp đồng BOT đã ký kết", Bộ GTVT nêu rõ.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.